Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 26/04/2024 11:28

33 năm chặng đường truyền thống vẻ vang – tiếp nối trang sử mới

Cùng với cả nước năm nay, năm 2020 Liên hiệp Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về 70 năm ngày truyền thống công tác đối ngoại nhân dân (17/11/1950 – 17/11/2020). Trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa cũng có 33 năm xây dựng và trưởng thành đã cùng với các tổ chức Hội thành viên những lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có đóng góp một phần quan trọng trong quá xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Những ngày đầu thành lập

Ngày 17 tháng 11 năm 1950 tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khẳng định nguyện vọng tha thiết vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, và nhiệm vụ cao cả của nhân dân ta trong việc bảo vệ hòa bình Thế giới và chỉ đạo việc thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam – tổ chức Đối ngoại nhân dân đầu tiên của Việt Nam. Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam đã được trang trọng tổ chức tại thôn Roòng Khai, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên dưới sự chủ trì của đồng chí Tôn Đức Thắng. Tại Đại hội này đã bầu Đoàn Chủ tịch của Ủy ban gồm nhiều đồng chí Lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và các vị Nhân sỹ, trí thức do ông Lê Đình Thăm làm Chủ tịch.

Qua quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức để nâng cao nhận thức xã hội và giáo dục truyền thống với đội ngũ cán bộ và nhân dân; Ban bí thư đã đồng ý lấy ngày 17 tháng 11 năm 1950 là ngày truyền thống công tác Đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị. Đối với Liên hiệp Khánh Hoà mãi đến ngày 15/8/1987, đồng chí Bùi Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh đã có Quyết định số 225/QĐ-TU thành lập Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc. Đó là tổ chức tiền thân Liên hiệp các tổ chức hữu nghị sau này. Bởi vì, lúc ấy ở cấp Trung ương Liên hiệp Việt Nam có tên gọi là Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình, đoàn kết và hữu nghị hoạt động thuộc Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Cũng có nghĩa là từ giai đoạn 1987 đến trước năm 1994 Liên hiệp có tên gọi Hội hữu nghị các nước và các dân tộc Tỉnh Phú Khánh. Vì hồi đó Khánh Hòa với Phú Yên là tỉnh Phú Khánh mãi đến 01/7/1989 Phú Khánh tách tỉnh và tái lập lại tỉnh Phú Yên cho đến ngày nay.

Như vậy, nếu tính từ khi có quyết định thành lập của Tỉnh ủy thì đến nay Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Khánh Hòa đã trải qua 33 năm hoạt động và phát triển.

Về công tác cán bộ thời kỳ đầu: đa phần lãnh đạo qua các thời kỳ của Liên hiệp là Chủ tịch Mặt trận tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Liên hiệp và văn phòng được bố trí có thêm vài cán bộ hợp đồng để làm công tác.

Xây dựng và phát triển

Đến ngày 04/11/1994, đồng chí Nguyễn Thiết Hùng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có quyết định số 2356/UB đổi tên tổ chức Hội Hữu nghị các nước và các dân tộc thành Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Khánh Hòa. Lúc bấy giờ cơ quan Liên hiệp có bước phát triển mới, vì có bộ máy chuyên trách, biên chế cơ quan được tăng cường. Đó là so với giai đoạn trước đó chứ mà nói để đáp ứng với yêu cầu công tác thì bộ máy, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, mô hình hoạt động, nội dung hoạt động còn khó khăn rất nhiều.

Trên cơ sở đó, chức năng chính Liên hiệp được xác lập là: Xúc tiến tạo dựng mạng lưới bạn bè với các tổ chức, cá nhân ở khắp mọi nơi, mọi nước nhằm tăng cường hoà bình, đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới. Tạo lập nền tảng quần chúng cơ sở và liên minh nhân dân, làm cầu nối cho ngoại giao nhà nước và đối ngoại của Đảng.

Ngoài ra, thực hiện vận động dân vận đối với nhân dân ta và nhân dân các nước. Qua các kênh thông tin và các hình thức tổ chức, nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân là làm cho nhân dân ta hiểu về bạn bè quốc tế và làm cho bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam (cụ thể tổ chức giao lưu, giới thiệu về tiềm năng cơ hội đầu tư làm ăn, về văn hoá, đất nước con người Việt Nam – Khánh Hoà đến với bạn bè các nước). Từ đây, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã có Quyết định giao cho Liên hiệp làm nhiệm vụ đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài từ năm 2008. Thể chế hóa bằng Chỉ thị 09-CT/TU của Tỉnh ủy cũng đã giao thêm nhiệm vụ cho Liên hiệp về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/ BCT của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Các Chỉ thị 28-CT/TW, Chỉ thị 04-CT/TW về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Trên cơ sở các Chỉ thị này, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 12-KH/TU nhằm thực hiện tinh thần các chỉ thị của Ban Bí thư.

Từ gần 20 đơn vị thành viên, bấy giờ Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Khánh Hòa đã phát triển thành 40 đơn vị thành viên gồm các Sở ban ngành, các Hội hữu nghị song phương, từ các đơn vị Viện nghiên cứu, trường Đại học Cao đẳng và các Doanh nghiệp lớn của tỉnh và trung ương đứng chân trên địa bàn. Nhưng tình hình bộ máy không ổn định, thiếu người có năng lực làm việc, khó khăn trong quy hoạch, đào tạo, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn. Trong khi đó việc thể chế về mặt nhà nước các tinh thần chỉ thị của Đảng rất chậm là khó khăn trở lực lớn nhất cho hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị.

Xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân

Đến nay, Liên hiệp đã trải qua 6 kỳ Đại hội những ngọn lửa nhiệt huyết trong công tác đối ngoại nhân dân được tiếp nối và thắp sáng, là chiếc cầu nối quan trọng người dân Khánh Hòa với tất cả bạn bè thế giới. Cơ quan chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân với 11 người, ngoài 03 lãnh đạo gồm 01 Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch chuyên trách, 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm còn lại là 01 Trưởng ban, 02 Phó ban, 02 chuyên viên và 03 hợp đồng theo Nghị định 68. Cơ quan được bố trí chung khu liên cơ Mặt trận và Đoàn thể tại số 01A Phan Bội Châu – Nha Trang. Tuy còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng với tinh thần “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, trong năm 2020 với tình hình ảnh hưởng dịch Covid 19 đã ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp đến công tác triển khai các hoạt động chuyên môn nhưng với tinh thần thi đua hướng đến chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp; đại hội thi đua yêu nước tỉnh Khánh Hòa lần thứ V, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa đã duy trì và tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Tọa đàm Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Liên hiệp hữu nghị, kỷ niệm 45 năm Quốc khánh CHDCND Lào; Tổ chức kỷ niệm và giao lưu nhân dịp 231 năm Quốc khánh Pháp (14/7) với sự tham dự của kiều bào, người Pháp, giáo viên tiếng Pháp tại Nha Trang và các đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị khu vực miền Trung – Tây Nguyên – miền Nam; Phối hợp cùng với Hội hữu nghị Việt – Đức tổ chức thành công buổi giao lưu kỷ niệm 30 năm Ngày Thống nhất nước Đức (03/10) cho các bạn Đức và những người đã từng học tập làm việc tại Đức; Phối hợp với Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh tổ chức đoàn làm lễ tưởng niệm, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga – Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít (09/5/1945 – 09/5/2020). Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Liên hiệp phối hợp với Hội Hữu nghị Việt – Nga đã vận động được số tiền 10 triệu đồng cùng 120 phần quà cho các bạn Nga đang gặp khó khăn tại Nha Trang chưa thể về nước…

Về công tác vận động phi chính phủ, tính đến cuối năm 2020, giá trị giải ngân các dự án, phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ cho toàn Liên hiệp đạt hơn 4,3 tỷ đồng, riêng Cơ quan thường trực Liên hiệp với vai trò là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã trực tiếp vận động, hỗ trợ một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các khoản viện trợ với giá trị tài trợ đạt hơn 772 triệu đồng, góp phần vào việc hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nổi bật, có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Tzu Chi (Đài Loan), Le Liseron (Pháp), Aid For Kids (Hoa Kỳ), Quỹ toàn cầu Liên hợp quốc, Ủy ban Y tế Hà Lan, Build Aid (Na Uy), Britany Hope (Hoa Kỳ), l’Appel Lorient (Pháp), Fontana (Đan Mạch), Susanne’s Help for Children (Thụy Sỹ), École Sauvage (Pháp), Holt Interntional Children’s service (Hoa Kỳ), Les Amis de Nha Trang (Pháp)… Trên đây là kết quả tổng hợp chính, tuy chưa phải là nhiều nhưng mang ý nghĩa to lớn trên mặt trận đối ngoại nhân dân.

Những dấu ấn tình cảm đối với bạn bè quốc tế

Susanne Schupfer, 68 tuổi, quốc tịch Thụy Sỹ, người dân Nha Trang – Việt Nam vẫn thường hay gọi bà bằng cái tên trìu mến: “Bà Tây tốt bụng”. Hiện nay Văn phòng của bà đã có hơn 700 thành viên trên khắp thế giới tham gia Hội và nhận đỡ đầu cho hơn 2.194 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2019, số tiền Hiệp hội giúp đỡ là 177.593 USD, tương đương gần 4,1 tỷ đồng Việt Nam.

“Tôi rất vui khi được nhập lại quốc tịch Việt Nam. Kể từ hôm nay tôi là người Việt Nam.” Bà Lamorlette đã thốt lên trong ánh mắt rạng ngời với giọng nói đầy xúc động khi bà nhập quốc tịch và có tênViệt Nam là Đỗ Thị Bê.

“Tôi muốn ở lại Nha Trang và sống trọn đời ở đây nhưng rất tiếc không thể ở lại được” – đây chính là những lời tâm sự chân thành từ trái tim của bà Yves khi chia tay Nha Trang để trở về Pháp sau 10 năm đồng hành cùng câu lạc bộ Pháp ngữ.

Ông René: “Tôi sẽ sống cuối đời ở đây và nằm lại trên mảnh đất này” đó là mong muốn thiêng liêng người bạn Pháp hơn 84 tuổi lặng lẽ hàng năm huy động hàng trăm triệu để hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo Khánh Hòa.

Ông Shiomi Masato: “Hết học viên, lớp mới đóng cửa”. Ông Shiomi Masato (55 tuổi, người Nhật) đã từ bỏ một việc làm tốt ở tỉnh Osaka (Nhật Bản), học lấy chứng chỉ dạy tiếng Nhật và quay lại Việt Nam năm 2001 làm gia sư tiếng Nhật. Tại Khánh Hòa, ông đã dạy hàng chục khóa tiếng Nhật sơ, trung cấp với hàng trăm học viên, đồng thời giúp học viên gặp gỡ người Nhật để nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Ngoài ra còn nhiều người nữa như bà Ursula Nguyễn, ông bà Lamorlette, chị Joy Mỹ Liên, chị Lâm Du Kim Ngọc… hàng năm thông qua những tổ chức phi chính phủ mà họ đã kết nối được đã đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế của địa phương… Và cũng thông qua họ, nhiều bạn bè từ các nước đã biết và đến với Nha Trang góp phần nhỏ bé của mình cho thành phố biển xinh đẹp mến khách…Tất cả chỉ bởi tình yêu vô điều kiện với mảnh đất này.

Qua 33 năm thành lập, tuy còn gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng có thể khẳng định vai trò không thể thiếu và ghi nhận những cố gắng nỗ lực của toàn các thành viên của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Khánh Hòa; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại, hỗ trợ và góp phần vào thành quả chung cho công tác đối ngoại trong hệ thống chính trị đối ngoại. Góp phần đưa hình ảnh tươi đẹp, mến khách người dân Khánh Hòa ra thế giới và “kéo” những người bạn thế giới về Khánh Hòa. Những người làm công tác đối ngoại nhân dân đã thực hiện sứ mệnh rất quan trọng là góp phần bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, huy động nguồn lực quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và đoàn kết rộng rãi của nhân dân các nước đối với công cuộc phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lê Trung Hưng