Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 27/04/2024 13:44

Một trải nghiệm lý thú tại trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn trong Chương trình Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân

Sáng ngày 19/7/2023, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 nhằm đánh giá kết quả triển khai Chương trình hành động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng giai đoạn 2021 – 2023, đồng thời bàn giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian đến.

Trong chương trình Hội nghị, ban tổ chức mời đại biểu tham quan Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.

Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng hơn 5 km, tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng. Nơi đây có công trình Tổ hợp không gian khoa học (Tổ hợp) chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2022. Tổ hợp là dự án nằm trong ý tưởng xây dựng Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa do Giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam đề xuất với Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Tổ hợp có diện tích 3,99 ha, gồm 3 công trình chính: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi. Dự án hiện do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư và quản lý. Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo là đơn vị quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Tổ hợp được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu, khám phá khoa học của người dân mọi lứa tuổi. Thông qua đó giới thiệu khoa học cơ bản, phổ biến khoa học phổ thông với công chúng nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch khoa học trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phòng Hệ Mặt trời trong Bảo tàng khoa học

Bước vào tòa nhà chính của Trung tâm hình ovan là trái tim của Trung tâm. Khu vực này gồm 2 hạng mục độc đáo là Bảo tàng khoa học và Nhà chiếu hình vũ trụ. Bảo tàng khoa học là khu dành cho công chúng tham quan, tương tác với các mô hình để có những trải nghiệm thú vị về các chủ đề khoa học, từ những thứ vô cùng bé như vật chất, nguyên tử đến những thứ vô cùng lớn như vũ trụ, Trái đất và các hành tinh, về sự sống của sinh vật, thiên văn học và các ngành khoa học cơ bản. Bảo tàng có 7 phòng trưng bày, được sắp xếp mỗi phòng theo một chủ đề riêng biệt, gồm: Hệ Mặt trời, khám phá vật chất, Trái đất và tài nguyên thiên nhiên, khám phá không gian, khám phá Sao Hỏa, “Chơi mà học”, “Vì sao lại thế”.

Phòng Hệ Mặt trời được xem là “trái tim” của Khu bảo tàng. Đúng như tên gọi của nó, vừa bước vào căn phòng, ta nhìn thấy ngay một quả cầu mô phỏng hành tinh OmniGlobe nằm ở vị trí nổi bật. Quả cầu thể hiện hình ảnh Trái đất đang xoay bên cạnh những hành tinh khác như: sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương. Nhìn tổng thể chung của căn phòng, Trái đất và các hành tinh như được bao bọc bởi những mảng tranh tường cong đầy màu sắc. Trên các mảng tường cong này, khách tham quan sẽ được trải nghiệm sự hình thành và phát triển của vũ trụ qua các thời kỳ từ cổ đại, cận đại cho tới hiện đại. Nhờ hiệu ứng ánh sáng từ các bóng đèn led bao trùm cả căn phòng, khách tham quan sẽ có cảm giác như đang lạc lối trong Hệ Mặt trời đầy bí ẩn, chiêm ngưỡng những vì tinh tú tỏa sáng trong bầu trời đêm.

Các căn phòng còn lại được bố trí xoay quanh phòng Hệ Mặt trời. Ở những căn phòng này, khách tham quan sẽ được trải nghiệm các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, địa nhiệt, thủy điện được mô phỏng qua một sa bàn lớn, giúp người xem cảm nhận được mối tương quan, sự tác động của con người với Trái đất. Tôi đặc biệt ấn tượng khi trải nghiệm tại phòng “Chơi mà học!”, là nơi giúp khách tham quan tự do khám phá, trải nghiệm các mô hình khoa học, đặc biệt là chuỗi các mô hình toán học theo cách riêng của mình. Điểm hấp dẫn của căn phòng này là sân khấu trình diễn các thí nghiệm khoa học để người xem có thể tương tác trực tiếp với các mô hình khoa học. Đặc biệt, hướng dẫn viên trình diễn cho khách xem cách tạo ra các tia lửa sét nhân tạo với điện thế lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu vôn kèm tiếng nổ chẳng khác nào trời đang giông giữa căn phòng, sau đó, cho tia sét đánh vào lồng Faraday có người nhưng người đứng trong lồng không cảm thấy bất kỳ nguy hiểm gì.

Nếu phòng Hệ Mặt trời giúp tôi mường tượng được vũ trụ là như thế nào, thì khi đến Nhà chiếu hình vũ trụ ta sẽ chứng kiến vũ trụ trở nên gần gũi hơn. Ngồi trong nhà chiếu hình được thiết kế giống như một rạp chiếu phim, ngửa nhìn lên trên là một vòm trời nhân tạo cỡ lớn đang trình chiếu những thước phim 3D về vũ trụ, làm cho ta có cảm giác như đang lơ lửng trong vũ trụ, tham quan các thiên thể, có thể với tay hái được những ngôi sao lấp lánh trong một bầu trời đêm hay chạm tay vào dải Ngân hà tưởng chừng như vô tận.

Nếu bạn có dịp trải nghiệm tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn, hòa mình trong không gian khoa học độc đáo này, ai đó dù hoàn toàn “miễn nhiễm” với khoa học, hẳn phần nào cũng được “truyền lửa” cảm hứng, khơi dậy sự tò mò, mong muốn khám phá thế giới, khám phá tri thức nhân loại.

Thanh Lâm