Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 27/04/2024 19:19

Ngoại giao số – Nền ngoại giao trong tương lai?

(Ngoại giao số – Ảnh: L.T.H)

Trong vài thập kỷ qua, xã hội đã và đang thay đổi nhanh chóng hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Số hóa, AI, Blockchain, công nghệ 4.0, robot… đã thay đổi bối cảnh giao tiếp hàng ngày của nhân loại. Đây là sự biến đổi to lớn của mọi mặt đời sống xã hội hiện đại, nó trở thành nhân tố quan trọng trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội. Số hóa sẽ tác động hầu hết các mặt trong đời sống xã hội, hành vi xã hội, giao tiếp và ứng xử xã hội, quản lý xã hội, dịch vụ, định chế… mối quan hệ giữa các nước, môi trường luật pháp quốc tế và kể cả ngoại giao.

Ngoại giao là thuật ngữ chỉ các kênh giao tiếp – truyền thông chính thức được các thành viên của một hệ thống các quốc gia sử dụng. Trên thực tế, ngoại giao là một trong hoạt động chính trị – quản lý lâu đời nhất của nhà nước và trở thành một phần thiết yếu của việc thực thi quyền lực. Ngoại giao luôn là cách để một nguyên thủ quốc gia có được thông tin về một quốc gia khác, một cách hợp thức, ngoài việc cung cấp cho người dân ở quốc gia của mình một cơ chế bảo hộ nào đó bên ngoài biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Ngoại giao cũng là hình thức thiết yếu bảo vệ đất nước bằng biện pháp đối ngoại chứ không chỉ bằng chính sách đối nội.

Chưa có định nghĩa nào rõ ràng rằng Ngoại giao số là gì? Tuy nhiên, qua một số thuật ngữ tác giả mạnh dạn nêu ra: Ngoại giao số (Digital Diplomacy) là một hình thức ngoại giao công chúng mới, sử dụng Internet, công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và phương tiện truyền thông xã hội như những công cụ để tăng cường quan hệ ngoại giao. Nói cách khác là hình thức ngoại giao với các đường lối đối ngoại truyền thống cơ bản như trước đây vẫn được duy trì, điểm khác chỉ là được triển khai trên những nền tảng công nghệ mới. Hay có thể hiểu nó là một dạng quyền lực mềm và là phương thức ngoại giao mới bổ trợ, tạo thêm đòn bẩy cho ngoại giao nhà nước, sử dụng công cụ công nghệ thông tin truyền thông/công nghệ số/Internet (CMCN 4.0) để thúc đẩy can dự, tương tác với nhà nước, các chủ thể phi nhà nước và công chúng nước ngoài nhằm triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại của một quốc gia.

Hiện nay, môi trường địa – chính trị quốc tế có nhiều thay đổi. Các quốc gia mới xuất hiện khi các quốc gia khác thì củng cố chế độ. Do đó, cần phải có quy chế ngoại giao toàn diện và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những thay đổi đó lại không  lớn. Những thay đổi lớn có tác động quyết định bắt nguồn từ sự phát triển công nghệ vĩ đại của thế kỷ XX, công nghệ số hóa.

Trong tất cả các phát kiến công nghệ của thế kỷ XX, intetnet là một trong những thành tựu nổi bật nhất của nhân loại. Nó là kho dữ liệu khổng lồ, thư viện rộng lớn bất kỳ ai cũng có quyền truy cập từ bất cứ đâu. Sự xung đột các quốc gia, tranh cử tổng thống ở các nước… đến các món đồ rao bán bé xíu ở đâu đó toàn cầu, hàng triệu người có thể biết được. Giờ đây, các chính khách, các nhà ngoại giao chỉ cần có điện thoại di động bằng bàn tay cho phép trao đổi thông tin và quyết định nhanh chóng từ bất kỳ địa điểm nào của đất nước, bởi vì đây là hình thức giao tiếp nhanh, rộng hơn bất kỳ cơ chế kiểm duyệt nào của hệ thống chính quyền sở tại.

Theo thống kê gần đây của datareportal, Facebook hiện đang có 2.989 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Trong đó, Ấn Độ dẫn đầu bảng xếp hạng với hơn 369.9 triệu người đang dùng Facebook, xếp thứ hai là Mỹ với hơn 186.4 triệu người và thứ ba là Indonesia với hơn 135.1 triệu người dùng. Sự gia tăng người dùng trên các nền tảng không gian mạng sẽ làm thay đổi hành vi, đạo đức, giao tiếp, mối quan hệ các quốc gia…

          Năm 2019, Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị khu vực về Ngoại giao số, với sự tham gia của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Hội nghị kêu gọi các nước khu vực tận dụng triệt để lợi ích từ thời đại số hóa, phối hợp với các tập đoàn công nghệ vạch ra những đường hướng hữu hiệu nhất trong triển khai ngoại giao số, với các trọng tâm như truyền bá những thông điệp hòa bình chống lại chủ nghĩa khủng bố, quản lý thông tin trong xử lý khủng hoảng và phát triển kinh tế số.

Ở góc độ khu vực, Xin-ga-po đã tổ chức hội nghị đầu tiên giữa các Bộ trưởng ASEAN phụ trách an ninh mạng vào năm 2016, công bố gói ngân sách 7 triệu USD hỗ trợ các nước thành viên ASEAN củng cố năng lực chống lại các mối đe dọa an ninh mạng.

Việt Nam có dân số đạt gần 100 triệu người, với số lượng người dùng mạng xã hội lên tới khoảng 73,6 triệu người vào năm 2020. Năm 2021, khoảng 95% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Facebook, đưa nền tảng quốc tế trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu trong Quốc gia.

Đồng thời, Zalo, một ứng dụng nhắn tin, là mạng xã hội phổ biến thứ hai tại đây, vượt qua các đối thủ toàn cầu khác như YouTube và Instagram. Mức độ phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội thay đổi theo từng thế hệ. Trong khi Facebook và Zalo có mức độ ưa thích cao nhất trong thế hệ X, thì thế hệ Z có mức sử dụng mạng quốc tế cao hơn đáng kể, bao gồm Facebook, YouTube và Instagram. Ngoài ra, TikTok đang tạo đà cho thế hệ người dùng mạng xã hội trẻ nhất trong nước, với hơn một nửa số người dùng internet trong độ tuổi này cho biết đang hoạt động trên nền tảng này.

Ở Việt Nam tiếp tục được khẳng định nền ngoại giao hiện đại được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy ngoại giao truyền thống. Thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức ngoại giao trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao thông qua công nghệ số và nó là phương thức phát huy mạnh mẽ hiệu quả khi thế giới bị chia cắt, gián đoạn. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại cần sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có ngoại giao số để bắt kịp xu thế toàn cầu, tức là áp dụng công nghệ, khoa học để tiến hành các phương thức ngoại giao; một số nước trên thế giới đã áp dụng hình thức đại sứ quán ảo, đàm phán có sự hỗ trợ AI…

Với quan điểm phát triển phương thức Ngoại giao số gắn với Ngoại giao công chúng, Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao kinh tế, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tăng cường sử dụng truyền thông đa phương tiện, công nghệ số, mạng xã hội (đặc biệt là Twitter) để chuyển tải hiệu quả các thông điệp đối ngoại, xây dựng hình ảnh quốc gia/lãnh đạo, tập hợp, đấu tranh dư luận; tương tác rộng rãi với công chúng, tăng cường sử dụng hình thức hội nghị/hội thảo trực tuyến hoặc diễn đàn/đối thoại định kỳ với công chúng trên nền tảng mạng xã hội… trong đó cần chú trọng công tác an toàn thông tin, an ninh mạng, xử lý tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội; cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ số, mạng Internet và mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, chống phá Việt Nam; có cơ chế phát hiện sớm và xử lý khủng hoảng trên không gian mạng, mạng xã hội.

Ngoại giao số cũng có những thách thức và hạn chế nhất định trong quá trình hiện thực hóa như tin giả, giả mạo nội dung, thách thức về mặt kỷ thuật, tính riêng tư, bảo mật, chủ quyền dữ liệu, khung pháp lý… Tuy vậy, đây là xu thế tất yếu khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Quốc gia nào biết tận dụng, thích ứng sẽ tạo ra cách mạng thông tin và cách mạng phương thức ngoại giao mới- Ngoại giao số, đó sẽ là xu hướng nền ngoại giao trong tương lai.

Phương Minh