Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 27/04/2024 11:44

ASEAN – 50 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Thành tựu khảo cổ học những năm gần đây đã chứng minh những mối tương đồng về văn hóa, sắc tộc giữa các dân tộc trong vùng Đông Nam Á. Quá trình biến đổi địa lý, khí hậu đã tạo nên những cuộc di dân từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, hình thành các bộ tộc theo từng vùng địa lý nhất định. Văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình, Java được phát hiện ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Chính từ mối dây liên kết này đã hình thành các quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên sự khác biệt của biển đảo và từ đó dẫn đến sự tranh chấp của các thế lực kéo dài hàng ngàn năm và từng bước định hình các quốc gia theo chế độ phong kiến, với nền văn minh lúa nước và các sản vật phương Đông như hương liệu, hồ tiêu, đậu khấu… Một số quốc gia biển đã trở thành trung tâm giao thương quốc tế nhất là các nước gần vùng eo biển Mallaca.
Đến thế kỷ XVI, hầu hết các nước trong vùng đều đã hình thành nền kinh tế nông nghiệp hết sức phát triển và trở thành đầu mối giao thương giữa Á và Âu. Chính vì lẽ đó, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã không bỏ qua miếng mồi ngon này. Đầu tiên là Bồ Đào Nha, kế tiếp là Tây Ban Nha, rồi Hà Lan, Anh, Pháp đã lần lượt dùng thuyền to, súng lớn xâm lược và áp đặt ách đô hộ lên các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ. Trong khi Anh áp đặt hoàn toàn ách đô hộ lên Ấn Độ và lấy đó làm bàn đạp xâm lăng các nước kề cận như My-an-ma, Bru-nây … thì Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp hoàn toàn đô hộ In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lay-si-a, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam. Trong vòng 4 thế kỷ, Chủ nghĩa tư bản Châu Âu đã chiếm lĩnh trọn vùng Đông Nam Á. Riêng Thái Lan được dùng làm vùng đệm, phân chia quyền lợi giữa Anh, Pháp cũng như các nước xâm lược lúc bấy giờ.
Trước thực trạng đó, nhân dân các nước Đông Nam Á không thể ngồi yên. Hàng ngàn, hàng vạn cuộc nổi dậy đã được các lãnh tụ nhân dân lãnh đạo chống lại ách đô hộ của thực dân phương Tây. Đây là những cuộc kháng chiến kéo dài và đẫm máu, vì độc lập của mỗi quốc gia, họ đều kiên trì đấu tranh, quyết giành lại đất nước từ trong tay thực dân. Đến đầu và giữa thế kỷ XX, hầu hết các quốc gia đều giành được độc lập; các nước phương Tây buộc phải rút lui hoặc bị đánh bại. Một khu vực địa chính trị – kinh tế hình thành và giàu tiềm năng phát triển được mở ra.
Tuy nhiên, từ bài học bị phương Tây xâu xé, năm 1961 ba nước Thái Lan, Ma-lay-si-a và Phi-lip-pin gặp nhau và quyết định thành lập Hiệp hội Đông Nam Á. Và phải đến 6 năm sau, qua quá trình chuẩn bị đàm phán và kết nối, vào ngày 08/8/1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á mới chính thức ra đời gồm 05 thành viên: Thái Lan, In-đô-nê-si-a, Phi-lip-pin, Ma-lay-si-a và Sing-ga-po. Đến năm 1984 Bru-nây tham gia, năm 1995 Việt Nam gia nhập; 02 năm sau 1997 là Lào và My-an-ma; năm 1999 là Cam-pu-chia. Riêng Đông-ti-mo chưa phải là thành viên chính thức.
Với tổng diện tích 4,46 triệu km2, chiếm 3% tổng diện tích trái đất và vùng biển của ASEAN lớn hơn gấp 03 lần so với mặt đất; dân số khoảng 600 triệu người chiếm 8,8% dân số thế giới; GPP năm 2010 của ASEAN khoảng 1,8 nghìn tỉ USD; nếu ASEAN là một thực thể thì sẽ là nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới, dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm lĩnh vị trí thứ 4. Ngày 31/12/2015, cộng đồng các nước ASEAN ra đời, khẳng định vị thế và chỗ đứng của ASEAN trước thế giới. Cộng đồng hình thành dựa trên hiến chương ASEAN tập trung vào 02 lĩnh vực lớn là cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa dựa trên nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ hòa bình, không can thiệp vào nội bộ, liên kết giữ vững an ninh, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ không xâm phạm lẫn nhau và không cho nước khác thành lập căn cứ xâm phạm lãnh thổ của các thành viên. Việc xác định ASEAN không có vũ khí hạt nhân là nguyên tắc tối cao mà các nước đều đồng thuận tuyệt đối.
Trên nền tảng này, việc tổ chức họp định kỳ giữa các nước thành viên, giữa ASEAN với Nga, ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ôx-trây-li-a), ASEAN với diễn đàn hợp tác Á – Âu … đều được nguyên thủ các nước thông qua tại các cuộc họp thượng đỉnh…
Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN từ năm 1995. Trước đây, đất nước ta đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi ASEAN hình thành, sau đó lại bị bao vây cấm vận của phương Tây; bị hai cuộc chiến tranh Tây Nam và phía Bắc tàn phá sau năm 1975 đến 1989 đã gây cho đất nước ta những thử thách và khó khăn vô cùng to lớn.
Bằng sự nỗ lực của toàn dân, từng bước đất nước ta tự đứng dậy và vươn ra biển lớn. Việc gia nhập ASEAN và trở thành thành viên tích cực của tổ chức này đã khẳng định đường lối đối ngoại sáng suốt, vững vàng của đất nước chúng ta.
Tại các cuộc hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ASEAN + 3, ASEAN + 1 … hay những lần được làm Chủ tịch ASEAN luân phiên … Việt Nam đều đưa ra những sáng kiến đề xuất quan trọng có tính chiến lược nhằm không ngừng nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế, với các nước phát triển; nhất là sự gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc thuộc các nước ASEAN.

Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, chịu nhiều sức ép quốc tế; bằng đường lối ngoại giao sáng suốt, năng động và hiệu quả, Việt Nam đã từng bước vững vàng xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là thành viên tích cực; trong đó vai trò của Việt Nam trong ASEAN ngày càng được khẳng định.


Qua 22 năm là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã cùng với 9 nước thành viên tạo thành một cộng đồng gắn kết, vì độc lập tự do của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân các nước thành viên, vì hòa bình của khu vực và thế giới … Trên các diễn đàn quốc tế tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào lòng người. Giá trị nhân văn lớn lao của Việt Nam chính là những mất mát đau thương của chiến tranh đã hằn lên dải đất hình chữ S … Hơn lúc nào hết, hòa bình cho nhân loại là tiếng nói đồng lòng của cả loài người trên thế giới. Việt Nam đã và sẽ đồng hành cùng ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng./.

Bá Lin