Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Ba, 19/03/2024 18:18

Kỷ niệm 103 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2020) Thắm tình hữu nghị Việt – Nga

Với thế hệ người Việt trưởng thành từ Liên Xô (cũ) – Nga, mỗi khi nhắc đến xứ sở bạch dương, họ luôn bày tỏ lòng biết ơn về sự tử tế của những người dân đôn hậu. Và khi thành đạt, họ báo đáp ân tình các bạn Nga để tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Nga.
Ký ức một thời
Chuyển về sống ở Việt Nam từ năm 2012, nhưng mỗi năm đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11), gia đình ông Lê Xuân Thơm – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng vẫn tổ chức bữa tiệc nhỏ để họp mặt cùng bạn bè. Với ông, nước Nga có biết bao ân tình, bao nhiêu kỷ niệm khó có thể kể hết. Tháng 11-1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông sang Liên Xô theo diện xuất khẩu lao động. “Khi đó là mùa đông, tuyết trắng xóa. Chúng tôi với bộ quần áo phong phanh, có những người chỉ đi đôi dép tông nên khi ra khỏi máy bay gần như bị cóng. Công ty xây dựng CMP275 (của Liên Xô) đã rất chu đáo khi cử đại diện từ Viễn Đông đến sân bay Quốc tế Seremechevo 2 (Matxcơva) đón chúng tôi, đồng thời cung cấp quần áo ấm, giày mũ để tránh cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông Nga”, ông Thơm nhớ lại.

 

Quảng trường Đỏ - Thủ đô Matxcơva.
Quảng trường Đỏ – Thủ đô Matxcơva.

Đoàn xuất khẩu lao động lần ấy gồm 100 người là sĩ quan, quân nhân xuất ngũ, bởi vậy hầu như không biết tiếng Nga. Các cô giáo Nga lớn tuổi như người mẹ đã dạy những người công nhân Việt Nam đánh vần từng chữ cái, dạy bài hát nhạc Nga truyền thống như: Chiều Maxcơva, Cachiusa… “Không biết nhiều tiếng nhưng chúng tôi hiểu tấm chân tình họ dành cho người Việt  qua ánh mắt, nụ cười và những cái ôm thật chặt mỗi khi gặp nhau. Họ luôn nói rằng, Liên Xô và Việt Nam là anh em. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, họ từng hiến máu và gom những đồ dùng học tập gửi sang Việt Nam”, ông Thơm kể tiếp. Hết 3 tháng học tiếng, những công nhân Việt Nam ra công trường xây dựng. Những người bạn Nga làm thợ xây đã viết tiếng Nga lên những mảng vữa trên tường để dạy các công nhân Việt Nam biết tên các vật liệu, dụng cụ làm việc, khẩu lệnh cho cần cẩu và nhiều công việc khác nữa.
Đến Liên Xô năm 1988 với tư cách du học sinh, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những thầy, cô giáo người Nga đôn hậu. “Tôi nhớ mãi thầy Builianov Vladimir Petrovic – Trưởng khoa Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế và Pháp luật). Ông ấy rất gần gũi. Cuối tuần, ông thường đi dã ngoại với sinh viên Việt Nam như những người bạn, luôn thăm hỏi về tình hình gia đình của sinh viên người Việt …”, ông Vinh nhớ lại.
Vun đắp tình hữu nghị Việt – Nga
Sống ở nước Nga nhiều năm, ông Lê Xuân Thơm đã thấu hiểu tấm lòng đôn hậu của người dân Nga, nhận được sự giúp đỡ của những người bạn Nga. Thuở ban đầu ở lại làm ăn và gặp khó khăn, gia đình ông Thơm đã được người lái taxi tên Davizenko Vikto Ivanovich (vốn là đại tá về hưu) ở thành phố Khabarovsk đưa về nhà sống chung. “Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những mẩu bánh mì ăn với bát súp củ dền đỏ và những tấm chăn ủ ấm mà ông ấy đã san sẻ với chúng tôi trong những ngày đó”, ông Thơm bùi ngùi nhớ lại. Nhớ mãi ân tình đó, sau này khi ông Ivanovich mất, 2 người con trai công tác trong quân đội chưa về kịp, ông Thơm đã đứng ra lo liệu tang lễ cho người ân nhân như một người thân trong gia đình.

 

Đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và những người Nga đang làm việc, sinh sống tại Khánh Hòa viếng Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tại Cam Ranh. Ảnh: Tạ Long
Đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và những người Nga đang làm việc, sinh sống tại Khánh Hòa viếng Tượng đài Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tại Cam Ranh. Ảnh: Tạ Long

Trong những người bạn Nga, ông Thơm đặc biệt trân quý người bạn, người trợ lý Krunin Aleksandr Victorovich (tên thường gọi là Aleksandr). Quen nhau từ năm 1994, chính Aleksandr đứng ra làm đại diện pháp luật thành lập công ty, nhận những người Việt Nam vào làm việc theo đúng pháp luật sở tại. Năm 2005, Aleksandr đã cùng ông Thơm tổ chức một đoàn đại biểu gồm các quan chức và doanh nghiệp ở vùng Viễn Đông Nga về Việt Nam gặp gỡ làm việc với các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và ngành du lịch, hàng không… để rồi sau đó mở được đường bay thẳng từ Vladivostok đi Hà Nội. “Năm 2012, tôi về Việt Nam làm ăn sinh sống, anh đã theo về để hỗ trợ. Tôi nghĩ những người Việt đã từng sống ở TP. Khabarovsk và những ai đã gặp anh ấy sẽ không bao giờ quên về sự chân tình và tấm lòng nhân hậu của anh ấy. Anh ấy như là hình mẫu của sự tốt bụng, trong sáng của người Nga vậy”, ông Thơm chia sẻ.

 

Ông Lê Xuân Thơm (thứ 2 từ phải sang) cùng vợ và các bạn bè ở Nga.
Ông Lê Xuân Thơm (thứ 2 từ phải sang) cùng vợ và các bạn bè ở Nga.

Cũng như ông Thơm, cho đến bây giờ, ông Vinh vẫn giữ mối liên hệ với những thầy, cô giáo thân thiết khi xưa. Khi chuyển đến sinh sống và kinh doanh ở thành phố Ekaterinburg, ông Vinh đã có nhiều hoạt động để bồi đắp thêm tình hữu nghị Việt – Nga. Năm 2008, khi tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và Việt được xây dựng ở Cam Ranh, ông Vinh đã tài trợ để các cựu quân nhân Nga từng đóng quân ở Cam Ranh về dự lễ khánh thành tượng đài.
Đặc biệt, năm 2015, khi về thăm các tỉnh miền Trung bị thiệt hại vì bão lũ, ông Vinh đã đề nghị với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thực hiện công trình dịch Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du sang tiếng Nga. Với vai trò là Chủ nhiệm đề tài, ông đã tài trợ kinh phí để tổ chức nhóm dịch thuật gồm các dịch giả nổi tiếng người Nga và người Việt để hoàn thành công trình khoa học này. Kể từ khi chuyển về sinh sống ở Nha Trang từ năm 2017, ông tích cực tài trợ cho các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Khánh Hòa… Ông đã được Hội Hữu nghị Nga – Việt của Liên bang Nga tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong việc nối nhịp cầu văn hóa, vun đắp tình cảm hữu nghị của 2 đất nước. “Tôi đã nhận được nhiều ân tình của đất nước Nga trong quá trình học tập và làm việc ở đó. Vì thế, khi có điều kiện, tôi muốn nối thêm nhịp cầu văn hóa, bồi đắp thêm tình hữu nghị của 2 đất nước Việt Nam và Liên bang Nga”, ông Vinh chia sẻ.
Hơn 20 năm sống ở Liên Xô và nước Nga, những doanh nhân như ông Vinh, ông Thơm đã gắn bó với xứ sở bạch dương như máu thịt. Cứ mỗi độ thu về, họ lại thu xếp quay trở về nước Nga, thăm lại những người bạn cũ, thăm lại những nơi họ đã từng sống và đi qua. Không những vậy, họ còn bỏ tiền mời những người bạn thân thiết đến nghỉ dưỡng ở Nha Trang để đền đáp những ân tình xưa, cũng là để vun đắp thêm tình cảm hữu nghị Việt – Nga. Đó cũng chính là một cách thể hiện cách sống tốt đẹp, nghĩa tình của người Việt!

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn – nguyên giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa luôn nhắc đến Liên Xô –  Nga với lòng biết ơn vô hạn. Theo học chuyên ngành biên đạo múa ở Nhạc viện Saint Petersburg, ông Sơn đã được các sinh viên người Nga cùng trường giúp đỡ rất nhiều trong quá trình học tập. Ông đặc biệt ấn tượng, biết ơn thầy giáo Benski Igo Dmitrievis – một người nghệ sĩ, thầy giáo nghiêm khắc nhưng hết sức đôn hậu. “Ông dạy bảo tôi từng chút một, chừng như sợ tôi không theo kịp các bạn Nga. Tối nào ông cũng dẫn tôi đến nhà hát xem các vở diễn rồi yêu cầu tôi nhận xét về các vở diễn, so sánh diễn xuất của các diễn viên… khiến tôi luôn căng như dây đàn. Ông rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam, có lần đến ngày 2-9, ông yêu cầu sinh viên dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Nga rất ít đến nhà người khác, nhưng giữa mùa đông tuyết trắng ông nhận lời mời đến dự Tết truyền thống của sinh viên người Việt…”, ông Sơn bùi ngùi kể lại.

Nguồn: http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/8826/Ky-niem-103-nam-Cach-mang-thang-Muoi-Nga-(7-11-1917—7-11-2020)-Tham-tinh-huu-nghi-Viet—Nga