Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Tư, 24/04/2024 02:55

Dấu ấn văn hóa Nga trong lòng người Việt

Đã có một thời, văn học, điện ảnh, âm nhạc của Nga là món ăn tinh thần chính yếu của người Việt. Điều khiến văn hóa xứ sở Bạch dương thấm sâu vào lòng người Việt là bởi chúng luôn hướng đến những giá trị nhân văn sâu sắc.

Từ những trang văn…

Văn học Nga luôn có một vị trí đặc biệt đối với nhiều thế hệ người Việt, từ những người có nhiều năm học tập, công tác ở Nga cho đến những người trưởng thành trong nước. Văn học Nga giàu chất thơ, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Nhắc đến văn học Nga là bao ký ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Những bộ tiểu thuyết kinh điển của F.Dostoevsk, Lev Tolstoy, M.Solokhov, A.Toltoy, những trang văn đầy chất thơ của Pautovsky, Rasul Gamzatov. Bên cạnh đó, nhiều người sẽ nhớ đến những tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Cánh buồm đỏ thắm, Timur và đồng đội, Người thầy đầu tiên…

Bài ca người lính – một trong những bộ phim của Nga để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả Việt Nam

Đặc biệt, tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn N.Ostrovsky đã trở thành sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. “Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình…”, đó không chỉ là lý tưởng sống của Pavel Corsaghin mà đã trở thành lý tưởng của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Không ít người đã mang trong mình lý tưởng của chàng thanh niên ra mặt trận. Trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc thể hiện sự ngưỡng mộ với Pavel: “Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Pavel… Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và cuộc đời riêng”. Trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự “gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy.

Những sự biến động về chính trị đã làm đứt gãy dòng chảy văn học Nga, khiến văn học Nga không còn là món ăn tinh thần chủ đạo như trước đây. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của nền văn học Nga – Xô viết đối với nhà văn, độc giả người Việt. “Theo tôi, dù nước Nga – Xô viết có thay đổi về thể chế chính trị, những tác phẩm văn học vốn là những giá trị nhân bản của con người thì vẫn luôn tồn tại”, ông Hà Văn Lưỡng – nguyên giảng viên Văn học Nga, Trường Đại học Khoa học Huế bày tỏ.

… đến những bài ca, thước phim đầy nhân văn

Cùng với văn học Nga, âm nhạc Nga cũng đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt. Kiến trúc sư Ngô Toàn, từng học tại Liên Xô cũ từ năm 1961 – 1966 bày tỏ: “Nhạc Nga một là du dương trữ tình, hai là sôi nổi. Những bài nhạc Nga như: Kachiusa, Thời thanh niên sôi nổi, Cuộc sống ơi ta mến yêu người… luôn đem lại những cảm xúc, tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống, tình yêu Tổ quốc”.

Thép đã tôi thế đấy – cuốn tiểu thuyết được nhiều thế hệ người Việt yêu thích

Dù muộn màng hơn so với văn học và âm nhạc, nhưng điện ảnh Nga cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với người Việt. Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, Chiến tranh và hòa bình, Bình minh nơi đây yên tĩnh, Người thứ 41, Matxcơva không tin vào nước mắt… luôn nằm trong danh sách những bộ phim được nhắc đến đầu tiên khi nói về điện ảnh Nga. Và không khó để nhận ra, phong cách điện ảnh Nga đã ảnh hưởng rõ nét đến phong cách làm phim mang hơi hướng sử thi của các đạo diễn hàng đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Hồng Sến.

Hỏi chuyện, ông Nguyễn Đình Thảng – nguyên Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa nói rằng, thế hệ của ông lớn lên với những tiểu thuyết Nga, phim Nga. Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ lần đầu tiên được xem Bài ca người lính (kịch bản và đạo diễn Grigori Chukhrai) vào những năm đầu thập niên 80. Hình ảnh anh lính Alyosha Skvortsov trong phim có chút gì đó gần gũi với những người lính Việt Nam. “Khác với phim Mỹ thiên về giải trí, phim Nga luôn hướng đến những giá trị nhân văn cao cả. Ở đó, hình ảnh những bà mẹ, những người lính rất đỗi đời thường nhưng rất cao cả. Họ sống và chiến đấu vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của con người”, ông Thảng bày tỏ.

Văn hóa Nga được nhiều người yêu mến bởi luôn hướng đến giá trị nhân văn cao cả. Có một thời, người Việt nhắc đến tính cách Nga, tâm hồn Nga với một sự ngưỡng mộ, trân trọng. Trong lời tự sự mở đầu đĩa nhạc Tình ca Nga vượt qua thế kỷ, nhạc sĩ Trần Tiến đã bày tỏ: “Ôi những tâm hồn Nga trong sáng, lãng mạn và đôn hậu biết bao nhiêu. Người đã thấm sâu vào trong từng ước mơ, khát vọng và thổi bùng lên ngọn lửa bất diệt của tuổi trẻ chúng tôi. Mong muốn thế giới hòa bình, hạnh phúc mãi mãi”. Đó không chỉ là tâm sự của người nhạc sĩ tài hoa này mà còn là tiếng lòng chung của nhiều thế hệ người Việt đã từng biết, yêu mến nước Nga và văn hóa Nga.

Nguồn: http://www.khanhhoa.gov.vn