Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 27/04/2024 19:07

Người phụ nữ hăng say trong công tác đối ngoại nhân dân

    Mỗi khi nhắc đến con người Nga, đất nước Nga xinh đẹp, hùng cường thì trong bà dâng lên những xúc cảm nghẹn ngào khó tả. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” với hơn 10 năm sống và học tập trên mảnh đất Liên Xô (nay là Liên bang Nga), nhưng những hình ảnh năm xưa về con người nồng hậu của quê hương Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại vẫn khắc sâu trong trái tim bà và điều đó đã làm động lực cho nỗ lực sự phát triển tươi thắm mối quan hệ truyền thống lâu đời hai dân tộc Việt – Nga hôm nay. Đó là bà Nguyễn Thị Thu Thanh, 80 tuổi, trú tại xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang – Khánh Hòa, hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga Khánh Hòa, là một gương sáng điển hình, hăng say, tận tâm trong công tác đối ngoại nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh đang phát biểu tại buổi giao ban Toàn quốc lần thứ XIV do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Nga tổ chức vào ngày 27/6/2020.

Những năm tháng không quên

Mùa đông năm 1960, trong tiết trời se lạnh của thủ đô Hà Nội thân yêu, bà và hàng nghìn sinh viên Việt Nam trên vai nặng hành lý bước lên tàu hỏa, chờ đợi tiếng kéo còi khởi hành qua nước Nga. Họ là những thanh niên, thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi được Đảng và Nhà nước cử ra nước ngoài học tập, nên ai được đi là cả một vinh dự không chỉ riêng cá nhân mà còn là vinh dự của cả gia đình, dòng họ.

Hành trình qua nước Nga bằng tàu hỏa dẫu trải qua những chặng đường dài khó khăn, phải mất 4 lần chuyển tàu và 12 ngày đêm mới đến nơi nhưng tất cả họ trên khuôn mặt toát lên niềm vui tươi, phấn khởi khi lần đầu được đặt chân lên mảnh đất thân thường này.

Khi tàu đến Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow, bà và những lưu học sinh được Đại sứ quán đón chu đáo, sau đó họ được chia từng nhóm nhỏ rồi phân công học tại các trường Đại học Cộng hoà, còn riêng bà – một trong số 17 nữ sinh hiếm hoi trong đoàn đi được phân công học trường Đại học Thể dục – thể thao Moscow-Lenin, lúc ấy bà rất buồn, khóc mấy đêm liền vì nghỉ rằng ngành thể dục – thể thao dành cho các bạn nam có thân hình cao to, sức khỏe tốt, trong khi đó, nhìn lại bản thân mình có một vóc dáng thấp, nhỏ con nên bà tự ti. Sau cùng, bà nghĩ  phải chấp hành theo sự phân công của Đảng và nhà nước, đồng thời được gia đình và bạn bè động viên nên bà yên tâm theo đuổi ngành học đó.

Cuộc sống sinh viên xa nhà vất vả và tất cả ai cũng phải tự lập nhưng đầy ắp kỷ niệm: “Mỗi tháng chúng tôi được cấp 50 rup để chi tiêu sinh hoạt nên chúng tôi phải đi làm thêm với mong muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống bản thân, nào là đi làm thêm tại các quán ăn, đan len…những năm tháng sinh viên vui buồn lẫn lộn cứ thế trôi qua. Mỗi kỳ nghỉ hè, được nhà trường cho đi nghỉ mát ở miền Nam các thành phố Crưm, Alycta…và du lịch trên tàu qua dòng Volga và các thành phố lớn như Stalingrat, Poctob-Nagon…đó là những kỷ niệm mà tôi sẽ không quên”, bà Thanh nhớ lại!.

Cuối năm 1965 bà tốt nghiệp, khi trở về nước được phân công tác tại Vụ thể dục – quân sự thuộc Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp tại thủ đô Hà Nội và có khoảng thời gian công tác ở đó 10 năm.

Năm 1975, từ Hà Nội bà vào Nha Trang sống và làm việc, tiếp tục hoạt động trong ngành thể dục thể thao. Có lẽ, khi nghĩ lại quãng thời gian công tác trong ngành này bản thân bà đôi lúc cũng giật mình, không nghĩ mình gắn bó công việc này và  thành phố Nha Trang lâu đến thế,  hơn 40 năm!

Năm 1984 bà trở lại Nga lần thứ 2, đó là dịp bà được Tổng cục thể thao cử đi học sau Đại học, học xong bà quay trở lại Nha Trang, tiếp nối những công việc dang dở.

Năm 2009 bà trở lại Nga lần thứ 3, đó là thời điểm mà bà đương chức làm Chủ tịch Liên đoàn võ thuật tỉnh Khánh Hòa, dẫn dắt các vận động viên thể dục- thể thao Việt Nam qua Nga thi đấu.

Cơ duyên đến với Hội Hữu nghị Việt – Nga

“Đó là một buổi chiều, vào khoảng tháng 5 năm 2007, khi đang ngồi trong phòng làm việc, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa hỏi tôi từng là lưu học sinh Việt Nam tại Nga hay không, rồi ngõ ý giới thiệu tôi tham gia vào Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt – Nga Khánh Hòa vì hội mới thành lập, thiếu nhân sự, nên cần một người biết ngôn ngữ, am hiểu nhiều nước Nga tham gia hỗ trợ công tác hội. Thế rồi, tôi không do dự và đồng ý ngay”,  bà kể lại!

Thời gian đầu tham gia Hội với bà rất khó khăn, lúc đó bà đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Khánh Hòa, công việc bận rộn, nào là phải điều hành công tác, huấn luyện và đôi lúc phải dẫn đoàn tham gia thi đấu thể thao tại các tỉnh thành trong nước, có khi ra nước ngoài nên bà phải sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia vào các hoạt động của Hội. Nhưng khó khăn chẳng màng, qua một năm công tác, bà được các thành viên trong Ban chấp hành tín nhiệm, giới thiệu và bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga.

Hăng say trong công tác đối ngoại nhân dân

Trên cương vị Chủ tịch, qua hơn 14 năm công tác, bà và các thành viên trong hội đã thực hiện nhiều hoạt động, sự kiện mang nhiều sắc màu hữu nghị hai nước Việt- Nga, như: lễ kỷ niệm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức (09/5) kết hợp với ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; lễ kỷ niệm ngày Cách mạng tháng mười Nga; tiếp đón các vận động viên võ thuật của các nước cộng hòa Liên bang Nga, Belarusia khi các đoàn sang Việt Nam thi đấu; phối hợp với doanh nhân Nga tổ chức tết thiếu nhi quốc tế (01/6) cho các cháu thiếu nhi người Nga và Việt; thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm và tặng quà cho các gia đình người Nga đang sống và làm việc tại Khánh Hòa;

Đặc biệt, trong tình hình dịch covid-19, tại Khánh Hòa có nhiều người Nga kẹt lại, chưa thể về nước, gặp nhiều khó khăn, bà và các thành viên trong đoàn tích cực vận động các khoản viện trợ, góp phần cùng với Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh  tổ chức cho hơn 600 công dân Nga về nước qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) an toàn.

Có một điều thú vị bà chia sẻ: “công tác hội không được trả lương như bao hội khác, là một vị “Chủ tịch không lương”  tôi vẫn vui vẻ cười, chẳng bận tâm mà vẫn nhiệt tình, hăng say vì tôi biết những con người làm công tác hữu nghị phải xuất phát từ cái tâm, phải hy sinh sức lực, tiền bạc của mình thì mới có thể làm được”. Điều đó thôi cũng đủ làm chúng ta khâm phục bà.

Gần 60 năm công tác qua các lĩnh vực, bà đã đạt nhiều thành tích tự hào: được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng III (1985), 02 bằng khen Thủ tướng chính phủ (năm 1994 và 1996) trong công tác thể dục thể thao; 01 bằng khen Trung ương Hội Hữu nghị Việt- Nga (2018) và 03 bằng khen UBND tỉnh Khánh Hòa trong công tác đối ngoại nhân dân (năm 2000, 2017, 2018 ); 01 Huy chuy vì sự nghiệp hữu nghị Việt- Nga (2018)…nhìn vào bảng thành tích ấy, có thể nói bà là tấm gương điển hình cho các thế hệ trẻ học tập phấn đấu noi theo.

Ở độ tuổi 80, người ta bảo cái tuổi của một vầng trăng xế nhưng khi lần đầu gặp, tiếp xúc bà thì chắc hẳn chúng ta ai cũng sẽ bất ngờ, trông bà trẻ hơn tuổi thật. Bà có thân hình rắn chắc, khỏe khắn, tràn đầy sinh lực. Bên cạnh đó, bà có một mái tóc được cắt ngắn, gọn gàng. Đối với tôi “vầng trăng” ấy vẫn tỏa ra những ánh sáng đầy sức cuốn hút. Đó là những ánh sáng làm tôi và những thế hệ tuổi trẻ đáng để học tập và phấn đấu: về cách rèn luyện sức khỏe, ý chí kiên cường trong học tập cũng như lao động. Bà bảo: “tôi có được sức khỏe hôm nay là nhờ những năm tháng học tập và rèn luyện trên mảnh đất Nga”. Bà nói thông thạo tiếng Nga, Pháp; bên cạnh đó hàng tuần bà cũng học thêm tiếng Anh, bà quan niệm: làm công tác đối ngoại điều đầu tiên là phải biết ngoại ngữ.

Những khi trái gió trở trời, đôi chân bà có chút đau nên không thể tự đi một mình. Mỗi lần như thế, khi hội có sự kiện, hay các bạn Nga cần giúp đỡ gì thì bà thuê một chú xe ôm đưa đón hằng ngày để làm việc. Bà nói rằng: “còn sức lực là còn đi: đi để vận động, đi để kết nối nghĩa tình giữa nhân dân hai nước Việt- Nga”. Cố gắng vì sự phát triển của Hội là tâm nguyên lớn nhất của bà trong những năm tháng cuộc đời của mình.

 

Ông Trịnh Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga trao giấy khen cho bà Nguyễn Thị Thu Thanh vì đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tôi hỏi bà: Nếu có điều kiện sang Nga một lần nữa, bà mong muốn điều gì?

– “Tôi sẽ thăm lại trường xưa, dạo qua dòng Volga xanh thẳm và sau đó cầm nén nhang, đứng trước những ngôi mộ của những người thầy dạy tôi năm xưa đã mất và thắp nén hương cho họ, chỉ như vậy thôi là đủ!”, bà mong ước.

Tình cảm của những lưu học sinh và các thế hệ Việt Nam với nước Nga và con người Nga là thế, da diết và khắc cốt ghi tâm đến hơi thở cuối cùng. Theo dòng thời gian, những mối quan hệ dù cá nhân theo nghĩa hẹp hay theo nội hàm rộng lớn cũng đều xây dựng những bước tiến vững chãi trong mối quan hệ Việt – Nga. Và chính bà cũng đã là một русофилы (người yêu tất cả những gì liên quan đến nước Nga).

Hoàng Đức Tiến