Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 19/04/2024 17:11

Kỷ niệm đáng nhớ ở “đất nước Triệu voi”

   Qua 12 năm công tác ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm lý thú và đáng nhớ. Tuy nhiên, lớp học 9 tháng trên đất nước bạn Lào là kỷ niệm rất đặc biệt. Bởi đây là lần đầu tôi được học một ngoại ngữ ngay tại “đất nước Triệu voi”. Những trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ từ chuyến đi này đã giúp tôi làm giàu thêm hành trang kiến thức của mình, để thấy yêu và trân trọng với công việc mình đã chọn.

Hành trình đi tìm con chữ

Năm 2019, Tôi được đi học tiếng Lào 9 tháng theo chương trình ký kết hàng năm giữa tỉnh Chămpasak – Khánh Hòa tại thành phố Pakse – tỉnh Chămpasak – Lào. Sau chuyến xe đò từ thành phố biển đến với Biển hồ chè Gia Lai gần 6 tiếng ròng rã. Tôi lại tiếp tục trên chuyến xe đò từ Gia Lai lên cửa khẩu Bờ Y (KomTum) thêm 4 tiếng nữa. Đây là chuyến xe chạy định kỳ từ Gia Lai sang Lào, đi cùng chuyến xe là các công nhân của ông bầu nổi tiếng bóng đá Việt Nam Công ty Hoàng Anh Gia Lai sang đất Lào làm việc. Đoạn đường đi như ngắn lại vì phong cảnh hai bên đường tuyệt đẹp, mênh mông những nương chè, thấp thoáng người dân đi thu hoạch, những cung đường uốn lượn rừng cao su chạy hút tầm mắt, điểm những nét sắc màu giữa màu xanh bao phủ với mây trắng xa xa. Vậy là gần hơn một ngày tôi mới tới được đất bạn Lào. Tại bến xe, đón tôi là anh cán bộ Sở Ngoại vụ Lào đưa về nơi học cách khoảng 8 km. Anh tên Deth tiếng Lào dịch ra Việt gọi là Ánh Nắng, anh đã từng học ở Huế rồi vào Sài gòn học tiếp lên Cao học. Sau này tôi mới có dịp tìm hiểu thêm anh là chuyên gia phiên dịch cho các đoàn công tác Việt nam sang Lào và Lào đến Việt Nam.

Những ngày đầu tiên học tiếng Lào thực sự là kỷ niệm không thể quên, tôi ngỡ mình đang học lại lớp 1. Bắt đầu với bảng chữ cái bằng những nét viết nguệch ngoạc, đúng nghĩa là tập vẽ chứ không phải tập viết, rồi những ngày sau đó cũng là học vần, ghép vần, rồi từng chữ từng câu. Lúc viết được chữ rồi thì phần đọc thật sự rất khó khăn vì trong tiếng Lào, không có dấu cách giữa các từ và câu mà viết nối với nhau, nhìn vào văn bản chỉ thấy các chữ liền san sát nhau, việc tách chữ thành từng từ để hiểu nghĩa của câu cũng là một sự khó khăn. Khi đã nhận diện được mặt chữ, tiếp tục học đủ bốn kỹ năng cơ bản: nghe – nói – đọc – viết thì lúc đó việc học mới đỡ phần nào.

Với tôi thì mỗi ngôn ngữ có đặc trưng riêng, riêng tiếng Lào là loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến hình, nên cũng có nhiều nét tương đồng với tiếng Việt về cách ghép từ ghép câu để thành ý hoàn chỉnh của câu. Ngoài thời gian học trên lớp tôi cũng được nhiều dịp tiếp xúc với người dân Lào, vậy nên vốn ngoại ngữ của tôi có thể tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó tôi hiểu thêm nét văn hóa, đời sống, con người đất nước bạn Lào xinh đẹp.

Tác giả (ngồi thứ 3 từ phải sang) nhận bằng tốt nghiệp khóa học tiếng Lào tại tỉnh Champasak (Lào) – Ảnh: Y.N

 Vậy là sau chín tháng, tôi được tốt nghiệp tiếng Lào ở mức giao tiếp cơ bản. Tương đương trình độ A ngoại ngữ theo quy định Bộ giáo dục ở Việt Nam. Tôi chỉ sợ nếu không thực hành, giao tiếp thường xuyên thì dễ quên. Điều này, khi còn ở Lào, các giáo viên giảng dạy cũng lo chúng tôi sau khi về nước ít sử dụng sẽ nhanh chóng quên tiếng Lào. Tôi may mắn có sự giúp đỡ của các bạn sinh viên Lào tại Nha Trang mà thông qua công việc tôi có dịp quen biết. Nhờ các bạn mà đến nay, tôi vẫn còn nói được tiếng Lào. Tôi vẫn cố gắng học thêm tiếng Lào từ các bạn sinh viên Lào, và các bạn cũng rất vui khi trao đổi, học tiếng Việt từ tôi và tôi rất vui có thêm nhiều người bạn mới.

Gắn kết văn hóa giữa hai nước thông qua ngôn ngữ

Ngôn ngữ là văn hóa, học được thêm một từ mới, biết thêm một từ địa phương là có thêm sự hiểu biết về văn hóa, điều này hết sức thú vị. Ngoài biết tiếng Lào, tôi còn biết một số món ăn, một số phong tục, một số địa danh ở Lào, vì vậy câu chuyện giữa tôi và các bạn sẽ có nhiều chủ đề hơn, câu chuyện dễ gần và thân thiện hơn. Chính vì vậy, đối với các bạn, tôi không chỉ là người làm việc ở một cơ quan có chức năng nhiệm vụ tổ chức hoạt động giao lưu cho các bạn, mà tôi còn là một người bạn, một người chị, có thể giúp các bạn những việc nhỏ cá nhân trong đời sống hàng ngày. Với tôi, biết tiếng Lào không chỉ là biết thêm một ngoại ngữ; mà còn là công cụ bổ trợ cho tôi thuận lợi hơn trong quá trình làm việc giao tiếp với các bạn Lào.

Nói đến nước Lào, nhân dân Việt Nam ai cũng biết bởi đó không chỉ là nước láng giềng mà còn là nước có mối quan hệ anh em đặc biệt với Việt Nam trong quá khứ – hiện tại và tương lai. Nhưng nói đến tiếng Lào thì chắc không có nhiều người biết đến, bởi tiếng Lào không phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,.. và dù là nước láng giềng với nước ta nhưng có lẽ không nhiều người Việt biết tiếng Lào, ở Khánh Hòa lại càng ít. Vì tiếng Lào không quá phổ biến, nên nếu một người Anh đến Nha Trang gặp người Việt nói tiếng Anh thì rất bình thường, nhưng người Lào gặp người Việt biết tiếng Lào thì sẽ đặc biệt hơn, và các bạn sẽ cảm thấy vui hơn, ấm lòng hơn. Việc biết và phát triển tiếng Lào sẽ là xu hướng, là điều kiện thuận lợi với Nha Trang – Khánh Hòa trong xu thế phát triển du lịch đối với các nước láng giềng và trong khu vực.

Khánh Hòa hàng năm có khoảng 60 -70 sinh viên Lào học tại các trường quân sự, dân sự tại Nha Trang – Khánh Hòa. Các bạn sinh viên Lào đều được học tiếng Việt trước khi bắt đầu chương trình học chính thức, và qua thời gian ở Nha Trang, các bạn nói tiếng Việt rất tốt, có một số bạn nếu chỉ nhìn bề ngoài và nghe bạn nói vài câu đơn giản sẽ không biết bạn là người Lào. Việc hợp tác đào tạo giáo dục giữa tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam) và tỉnh kết nghĩa Chămpasak (Lào), trong đó có chương trình đạo tạo tiếng Lào cho cán bộ của tỉnh Khánh Hòa là rất phù hợp với chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn, là xây thêm những cây cầu hữu nghị nhằm nâng cao hiểu biết thêm về ngôn ngữ nước bạn tạo sự thuận lợi hơn trong quá trình giao tiếp và giao lưu văn hóa. Ngôn ngữ không chỉ giúp tôi có thêm kiến thức mà nó còn là một cây cầu hữu nghị kết nối với bạn bè quốc tế nói chung và bạn Lào nói riêng, góp phần làm hiệu quả hơn công tác đối ngoại nhân dân.

Người Lào nói tiếng Việt và người Việt nói tiếng Lào giờ đây không chỉ là ngôn ngữ mà chính là những cây cầu vững chắc kết nối 2 nền văn hóa, hai quốc gia có truyền thống lâu đời gắn bó, chia ngọt, sẽ bùi như tình anh em. Từ đó, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

Ý Nhi