Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 29/03/2024 01:24

Kỷ niệm 68 năm thành lập Liên hiệp Hữu nghị

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức kỷ niệm 68 năm thành lập Liên hiệp (17/11/1950-17/11/2018).

Dự kỷ niệm có, ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị; lãnh đạo các Ban, đơn vị cùng toàn bộ cán bộ cơ quan thường trực Liên hiệp Hữu nghị.

Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tuấn Việt)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp Hữu nghị; cho biết ngày 17/11/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Hai ngày sau, 19/11/1950, Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam) được tổ chức trọng thể tại thôn Roòng Khai, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sỹ hòa bình số một của Việt Nam, bầu bác Tôn Đức Thắng là Chủ tịch danh dự Ủy ban, bầu ban lãnh đạo của Ủy ban để từ đó Ủy ban chủ động tham gia vào phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với sự nghiệp, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Năm 2004, Nhà nước đã công nhận nơi diễn ra Đại hội thành lập Ủy ban Hòa bình Thế giới của Việt Nam là Di tích Lịch sử Cách mạng. Ngày Bác Hồ gửi bức thư lịch sử cho Đại hội thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam, ngày 17/11/1950, trở thành Ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Ông Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, công tác đối ngoại nhân dân đã có vai trò đột phá, xây dựng nền tảng quần chúng và đồng thuận xã hội cho quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia, các dân tộc, kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, tạo dựng hình ảnh đất nước, hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi chưa từng có để đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lợi thế của công tác đối ngoại nhân dân là có phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, linh hoạt, vừa có thể là chính thức, vừa có thể phi chính thức và có thể tiến hành các hoạt động đối ngoại trên một số vấn đề và ở địa bàn, khu vực trong những hoàn cảnh cụ thể mà các lực lượng đối ngoại khác triển khai chưa thuận lợi bằng. Mục tiêu của công tác đối ngoại nhân dân là tăng cường hiểu biết giữa bạn và ta, tạo dựng mạng lưới bạn bè và những người có cảm tình với Việt Nam ở mọi nước trên thế giới, gây dựng quan hệ giữa dân với dân làm cơ sở quần chúng và nền tảng nhân dân cho đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, chuẩn bị mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII đã quyết định chuyển Liên hiệp các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước của Việt Nam (nay là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) thành tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ nhân dân, hỗ trợ cho công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước”. Quyết định này cùng Chỉ thị 27/CT-TW ngày 27/7/1993, Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư khóa X, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư khóa XI và Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7/2013 về Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo Đảng ta đối với công tác đối ngoại nhân dân nói chung và Liên hiệp Hữu nghị nói riêng trong tình hình mới, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ông Đôn Tuấn Phong khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị đã có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đối ngoại nói riêng và cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chủ yếu trên các lĩnh vực:

– Mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoạiCùng với việc khôi phục, củng cố quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác mới với nhiều tổ chức nhân dân, các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ ở nhiều nước, mở rộng đáng kể địa bàn quan hệ và hoạt động, phủ kín quan hệ đối tác với các địa bàn trọng điểm tạo được vị thế xứng đáng và phát huy được vai trò tích cực trong nhiều cơ chế đa phương. Thông qua quan hệ đối tác và hoạt động đối ngoại của mình, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã tích cực đóng góp vào việc phá thế bao vây, cấm vận, thúc đẩy bình thường hóa, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, góp phần tạo môi trường hòa bình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

– Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động: Hoạt động đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị tăng mạnh về số lượng với nội dung và phương thức ngày càng phong phú, đa dạng, được nâng cao cả về tầm, quy mô, chiều sâu, sự lan tỏa và hiệu quả. Cùng với các hoạt động vận động chính trị, đối thoại, kênh 2 về dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, đấu tranh dư luận, giới thiệu quảng bá về Việt Nam, tham gia vào những vấn đề toàn cầu, tri ân, đền ơn đáp nghĩa…. chúng ta đã tăng cường hoạt động thúc đẩy, hợp tác trên các lĩnh vực phát triển, nhân đạo, xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học, công nghệ, văn hoá, giáo dục… Công tác nghiên cứu và thông tin đối ngoại được tăng cường. Hoạt động chính trị đối ngoại được gắn với kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

– Tăng cường công tác phi chính phủ nước ngoài: Công tác phi chính phủ nước ngoài do Liên hiệp làm đầu mối thường trực đã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua và có bước phát triển đáng kể cả về lượng lẫn về chất. Trong 10 năm qua, tính đến tháng 6/2018, có 336 tổ chức mới đã vào Việt Nam, nâng tổng số các tổ chức PCPNN có quan hệ với Việt Nam lên 1.124 tổ chức và tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân đạt 3.045,1 triệu đô la Mỹ thông qua 34.583 chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, hạ tầng y tế giáo dục và liên quan tới biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ở tất cả 63 tỉnh/ thành phố

– Củng cố, phát triển tổ chức: Với tiền thân là một số các tổ chức hữu nghị, ủy ban đoàn kết, ủy ban hòa bình, hiện nay, Liên hiệp Hữu nghị hiện đã có 116 tổ chức thành viên (trong đó 64 tổ chức ở trung ương và 52 Liên hiệp địa phương) và hàng trăm chi hội hữu nghị ở các tỉnh, thành, cơ quan, tổ chức trung ương. Tổ chức và đội ngũ đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị ngày càng mở rộng và phát triển. Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức 5 Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan thường trực của Liên hiệp Hữu nghị không ngừng được củng cố và trưởng thành, phục vụ hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Liên hiệp Hữu nghị đã thành lập Quỹ Hỗ trợ đối ngoại nhân dân, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại Nhân dân Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Việt – Nhật, Ban Quản lý Cung Hữu nghị Việt – Trung, đổi tên Trung Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao Công nghệ thành Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Hợp tác Quốc tế, tái cơ cấu Công ty Hữu nghị, thành lập các cơ quan báo chí: Báo Thời đại bằng 05 ngôn ngữ Anh, Trung, Nga, Lào và Khmer – đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trang điện tử “vufo.org.vn”, tạp chí “Hữu nghị”; nhiều tổ chức thành viên có tạp chí và bản tin như Tạp chí Việt Mỹ của Hội Việt Mỹ, Tạp chí Bạch Dương của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Bản tin Hòa bình và Phát triển của Quỹ. Cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc của cơ quan thường trực Liên hiệp trung ương và địa phương được cải thiện. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ làm chuyên trách đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị được bổ sung, đào tạo, rèn luyện và trưởng thành…

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Tuấn Việt)

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị, ông Đôn Tuấn Phong bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lão thành đối ngoại nhân dân, các thế hệ cán bộ đi trước đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau truyền thống vẻ vang, những bài học kinh nghiệm quý báu, sự chỉ dẫn tận tình và quan tâm sâu sát trong các hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị; tin tin, thế hệ cán bộ của Liên hiệp Hữu nghị hôm nay sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang 68 năm của Liên hiệp Hữu nghị, viết tiếp trang sử vinh quang mới của đối ngoại nhân dân Việt Nam.

Nguồn: http://vufo.org.vn