Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Ba, 19/03/2024 13:00

Kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2019)

Tối 05/01/2019, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979 – 7-1-2019). Dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu ở chiến trường Campuchia, các học viên sĩ quan Campuchia đang theo học tại các trường quân sự đóng trên địa bàn tỉnh.

Đi qua những ngày binh lửa
40 năm đã qua! Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, những người lính với trái tim đầy lửa, với tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân giờ đã xấp xỉ tuổi ngũ tuần, nhiều mái đầu đã bạc. Thế nhưng, những người lính tình nguyện Việt Nam vẫn chưa quên những năm tháng chiến đấu gian khổ trên chiến trường Campuchia. Những chuyến hành quân băng rừng, những trận giao tranh ác liệt với quân Pôn Pốt… và cả tình cảm ấm áp của người dân xứ Chùa Tháp mãi còn in sâu trong ký ức.

Ông Nguyễn Tấn Tuân trao kỷ niệm chương của Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia cho một số cựu chiến binh từng chiến đấu ở Campuchia.

Một thời chinh chiến
Tháng 10-1978, ông Vũ Quốc Việt (hiện nay là Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 93, Sư đoàn 2) đang làm công nhân thì có lệnh gọi nhập ngũ. Từ Nha Trang, những người lính trẻ hành quân lên Tây Ninh, rồi sang chiến trường ở Svay Rieng (Campuchia) chiến đấu trong đội hình của Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy. “Cảm giác bỡ ngỡ qua đi rất nhanh, chúng tôi lao ngay vào cuộc chiến chống quân diệt chủng Pôn Pốt. Với sự yểm trợ của không quân, xe tăng, pháo binh, chúng tôi nhanh chóng đập tan các phòng tuyến của địch ở Svay Riêng, rồi hành quân đến Prey Veng, Neak Luong … tiến về Phnom Penh”, ông Việt nhớ lại.
Cũng có mặt trong cánh quân ngày ấy, ông Nguyễn Điện Biên – nguyên cán bộ chính sách Trung đoàn 93, Sư đoàn 2 cho biết:  “Dưới ách thống trị tàn bạo của Pôn Pốt, làng mạc tiêu điều xơ xác, người dân bị lùa vào trại tập trung, bị giết hại nhiều vô kể. Giải phóng họ rồi, chúng tôi phải nhường lương thực cho người dân, cho người gọi nhà sư về lại chùa… Vì thế, nhân dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là quân nhà Phật”.
Cho đến giờ, điều mà nhiều người ám ảnh nhất trong những ngày chinh chiến trên đất nước Campuchia không phải là những trận chiến đấu ác liệt, không phải là sự vất vả của những lần hành quân băng rừng… mà chính là sự tàn bạo của quân Pôn Pốt. Ông Vũ Quốc Việt vẫn nhớ như in lần phá vây, giải cứu đại đội lính tân binh người Hà Sơn Bình (Hà Tây và Hòa Bình). “Trước khi rút chạy, địch mổ bụng các chiến sĩ của ta, sau đó gài mìn phía dưới thi thể để quân ta vào lấy xác của anh em sẽ bị nổ chết theo. Phát hiện điều này, chúng tôi phải buộc dây vào chân để kéo cho mìn nổ rồi mới lượm lặt các mảnh thi thể để đưa về tuyến sau. Đau lòng lắm nhưng không thể nào khác được!”, ông Việt rưng rưng nước mắt kể. Rồi chuyện đồng đội Ngô Văn Cần (quê ở Diên Sơn, huyện Diên Khánh) trên đường đi tải đạn bị địch cắt dây liên lạc, dẫn dụ vào ổ phục kích, bắt giữ rồi thiêu sống.
Những ngày chiến đấu ở chiến trường Campuchia chết chóc luôn rình rập. Vừa chiến đấu, những người lính Việt Nam phải ổn định tình hình dân chúng, làm tốt công tác tiếp nhận hàng binh để cảm hóa những người lính Pôn Pốt.  Ông Việt vẫn nhớ lần tiếp nhận đầu hàng của 2 đứa trẻ con của quân Pôn Pốt: “Theo lệnh của đơn vị, tôi phải dẫn 2 đứa trẻ đến gửi ở trại hàng binh quân Pôn Pốt, nhưng chúng còn nhỏ quá nên họ không nhận. Đến trại trẻ mồ côi, người quản trại lại từ chối vì 2 đứa trẻ là con của lính Pôn Pốt – kẻ thù của nhân dân Campuchia. Thế là tôi lại phải băng rừng, dắt 2 đứa trẻ về lại đơn vị. Sau nhiều lần năn nỉ, vì nể tình bộ đội tình nguyện Việt Nam, một gia đình người Campuchia đã nhận nuôi dưỡng”. Một lần khác, đơn vị của ông Biên tiếp nhận một hàng binh quân Pôn Pốt. Sau thời gian, thấy được đối xử tốt, người lính Pôn Pốt đã chủ động mượn bản đồ và chỉ nơi cất giấu vũ khí. Theo chỉ dẫn của người lính Pôn Pốt, đơn vị của ông Việt đã tìm ra kho vũ khí với hơn 140 khẩu súng các loại…
Tình đồng đội bên nhau
Sau ngày 7-1-1979, những người lính Việt Nam vẫn tiếp tục bám trụ ở chiến trường Campuchia giúp nhân dân xứ Chùa Tháp xây dựng lại cuộc sống, chống tàn quân của Pôn Pốt. Ông Hồ Văn Liêm – cựu chiến binh Campuchia nhớ lại: Vừa chiến đấu, chúng tôi vừa phải làm công tác dân vận. Ngày vào làng, tối phải ra rừng để ngủ, đề phòng địch phục kích. Tình cảm quân dân thắm thiết, tình đồng đội gắn bó keo sơn. “Có lần trong đêm tối của rừng già lạnh lẽo, chúng tôi chạm trán với kẻ thù,  ranh giới sống chết mong manh. Thế nhưng, về lại căn cứ, chúng tôi lại vui đùa, ca hát, đọc những lá thư nhà hoặc thư của các cô gái Campuchia mến mộ anh bộ đội Cụ Hồ…”, ông Liêm nhớ lại.

Hành quân giữa rừng khộp ở tỉnh Mondulkiri.

Năm tháng trôi qua, tình cảm đồng đội của những người lính trên chiến trường Campuchia vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Bây giờ gặp nhau, họ vẫn nhắc lại những  lần hành quân qua cánh rừng khộp khi mặt trời đã ngả bóng, cạn kiệt lương thực và nước uống, mọi người cứ mãi nhường nhau từng hớp nước, rồi lại chia nhau những quả dâu rừng. “Nhiều đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi xứ người, trong rừng sâu lạnh lẽo. Phút nghẹn ngào nuốt nước mắt vào lòng khi nhìn đồng đội ngã xuống, sự hy sinh, chia bùi sẻ ngọt của đồng đội như còn nguyên vẹn trong tôi… Chúng tôi phải sống để xứng đáng với sự hy sinh của họ”, ông Huỳnh Kim Lê – cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tâm sự.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ lòng tri ân đối với những hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt, tái thiết đất nước Campuchia. Ông đề nghị Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Hội Cựu chiến binh tỉnh quan tâm, hỗ trợ các gia đình cựu chiến binh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; đồng thời mong muốn hội tổ chức nhiều hơn các chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến trường xưa để thế hệ trẻ biết nhiều hơn về những cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ tình nguyện chiến đấu, công tác ở chiến trường Campuchia trước đây.

 

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã phát biểu ôn lại quá trình chiến đấu, chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Sau năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt, Ieng Sary đã thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 năm 8 tháng và 20 ngày, chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người Campuchia, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, đẩy dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Cũng trong khoảng thời gian này,  chúng đã đưa quân xâm chiếm các tỉnh biên giới Tây Nam, tàn phá làng mạc, giết hại 5.000 người dân Việt Nam, làm bị thương 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu 20.000 người khác… Với những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pôn Pốt, đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang nhân dân Campuachia đã đánh đổ chế độ Pôn Pốt vào ngày 7-1-1979.

Nguồn:baokhanhhoa.vn