Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 27/04/2024 04:40

HỒ CHÍ MINH – NHÀ NGOẠI GIAO NHÂN DÂN VĨ ĐẠI

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao nhân dân kiệt xuất. Người là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Người trực tiếp soạn thảo đường lối đối ngoại, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động đối ngoại, đưa ngoại giao trở thành một mặt trận, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các cháu thiếu nhi nước ngoài. –  Ảnh Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu các hoạt động đối ngoại từ khi ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Người thực hiện rất nhiều dạng hoạt động, từ giao lưu với nhân dân, tiếp xúc với báo chí, lập hội, viết báo viết sách nói về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Tất cả các hoạt động này đều nhằm mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Từ khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của Người, độc lập dân tộc luôn luôn là mục tiêu cao nhất của đối ngoại. Các hoạt động của Người dù với tư cách là một nhà cách mạng hay là nguyên thủ quốc gia đều thể hiện rõ nét phong cách ngoại giao gần gũi theo cách tiếp cận quần chúng Nhân dân. Ngoại giao nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp của nhân loại; ở tính chính nghĩa, hòa hiếu, nhân đạo, tôn trọng hòa bình; và ở phong cách ứng xử ngoại giao dung dị và nhân ái, uyên bác và tinh tế đi vào lòng người.

Với tinh thần độc lập tự chủ và tư duy sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn theo sát thực tiễn để dự báo thời cơ, tạo dựng và kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động và linh hoạt trong hoạt động đối ngoại theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” để “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, vận dụng nhuần nhuyễn nhân nhượng có nguyên tắc và tận dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, thêm bạn bớt thù, tiến hành ngoại giao tâm công đề cao tinh thần nhân nghĩa, bác ái và đạo lý trong quan hệ quốc tế. Những phương pháp, nghệ thuật ngoại giao tiêu biểu đó được hậu thuẫn bởi tư tưởng nhân văn cao cả trong con người Hồ Chí Minh thông qua cách thể hiện giản dị, dễ cảm hóa và có sức thuyết phục cao cùng với lối viết ngắn gọn, hàm súc, dễ hiểu như những vần thơ “Lạc nước hai xe đành bỏ phí / Gặp thời một tốt cũng thành công”, toát lên tính năng động, biến hóa trong tư tưởng cách mạng và tư tưởng ngoại giao của Người. Trong những dịp nói chuyện với ngành đối ngoại, Bác đã căn dặn để làm công tác đối ngoại tốt trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, chúng ta cần nắm vững đường lối đối ngoại, mục tiêu và chính sách ngoại giao của Ðảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng thời tính đến tương quan lực lượng, nắm vững thực lực của đất nước và của đối phương để đưa ra những đối sách thích hợp với hoàn cảnh, biết dừng, biết biến. Biết dừng thì mới xác định được đối sách ngoại giao cụ thể, phấn đấu đạt được mục tiêu trước mắt và lâu dài. Bác căn dặn: “Người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới biết mình biết người” và “phải hiểu cả hai bên mới có thể làm tròn nhiệm vụ”.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, ứng xử nhân văn cao đẹp giữa người với người luôn được thể hiện vô cùng rõ nét trong các phương pháp ngoại giao hay xử lý những tình huống khó khăn nhất trong những năm đầu Cách mạng, nhất là trong cách hành xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược.

Hòa hiếu luôn là phương châm nhất quán của Người trong hoạt động đối ngoại. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Trong năm 1945-1946 đất nước đứng trước nhiều kẻ thù nguy hiểm, cách mạng Việt Nam trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương đối thoại: Người thực hiện “Hoa -Việt thân thiện” để vừa nhằm hòa với Tưởng để hạn chế hành động chống phá cách mạng Việt Nam của chúng và vừa để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sĩ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình. Trong lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (10-1-1947), Người đã viết “chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”.

Cũng như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, Người đã gửi nhiều thông điệp cho các nhà cầm quyền Mỹ, đề nghị đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ tăng cường chiến tranh, một mặt Người kêu gọi quân dân ta “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” đồng thời chủ trương vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh.

Phong cách ngoại giao nhân dân thể hiện trong tính khoan dung, vị tha cũng luôn được thể hiện trong cách Người nói về những mất mát của chính những người lính trong hàng ngũ kẻ thù. Người viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Người bày tỏ: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi, tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam.”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa hiếu và nhân đạo của cha ông khi đánh thắng giặc ngoại xâm trong phương cách đối xử với quân Pháp thất trận. Người căn dặn không nên sỉ nhục đối phương, vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Người nêu chủ trương “trải thảm đỏ” hoặc “nhịp cầu vàng” để Mỹ rút quân về nước. Người căn dặn phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trước khi đàm phán tại Paris với Mỹ rằng: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”.

Cao hơn thế, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách đối ngoại là phong cách chứa đựng những giá trị nhân bản nhất của con người, bất kể là phương Đông hay phương Tây. Chính vì thế mà phong cách ấy có sức hút và cảm hóa vô cùng lớn, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ cho những ai đã từng tiếp xúc với Người, tạo nên sức mạnh to lớn của ngoại giao “tâm công” mà Người đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật vận dụng. Nhờ có vốn sống phong phú, sự am hiểu văn hóa phong tục tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới, và đặc biệt là thông thạo nhiều ngoại ngữ, Người có thể nhanh chóng cảm nhận được tâm lý cùng sở thích, ý định của người đối thoại, để lựa chọn cách ứng xử thích hợp. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Người cũng luôn tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất.

Chính phong cách ứng xử ấy đã mang lại sự cảm phục, yêu mến đối với Người. Thủ tướng Ấn Độ Neru từng nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết, mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn.” Phong cách ứng xử nhân văn ấy còn được nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam ghi nhận: “Toàn thể con người của Ông toát lên một phong thái bình dị và tế nhị bẩm sinh”…

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa đến nay đã hơn 52 năm nhưng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bản sắc của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, là một cội nguồn sức mạnh và sức sống của ngoại giao Việt Nam và nhân tố giúp cho ngoại giao Việt Nam luôn đi đúng hướng giữa muôn vàn biến cố của thời cuộc, luôn vững vàng nguyên tắc trong mọi chao đảo của tình hình trong mọi giai đoạn cách mạng. Người đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam hiện nay. Di sản của Hồ Chủ tịch không chỉ trở thành kim chỉ nam cho đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, mà còn trở thành một bộ phận của “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam. Đó là ngoại giao nhân dân hiện nay một trong 3 chân kiềng ngoại giao Việt Nam.

Kiên Lê