Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 21:24

Việt Nam-Đan Mạch: Nửa thế kỷ hợp tác bền vững, toàn diện

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Đan Mạch (1971-2021), Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Phạm Thanh Dũng đã chia sẻ với TG&VN về những dấu ấn nổi bật cũng như triển vọng tương lai của mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Phạm Thanh Dũng. (Nguồn: NVCC)

Thưa Đại sứ, trong chặng đường 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam-Đan Mạch đã có bước phát triển như thế nào? Nếu chỉ được chọn một từ để đánh giá về mối quan hệ này, ông sẽ chọn từ gì?

Đan Mạch là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971). Đan Mạch cũng là quốc gia Bắc Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy quan hệ giữa hai nước phát triển một cách ổn định, tích cực, bền vững và toàn diện. Các lĩnh vực hợp tác sâu rộng từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, phát triển bền vững, năng lượng, khí hậu, môi trường cho đến hợp tác nghiên cứu, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.

Về chính trị-ngoại giao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao trong những năm qua. Có thể kể đến các chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2018), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2009), Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 1999), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1998), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1995) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 1977).

Về phía Đan Mạch, Nữ hoàng Magrethe II (2009) và Thái tử kế vị Frederik (2011), Thủ tướng Helle Thorning Schmidt (2012), Chủ tịch Quốc hội Mogens Lykketoft (2012) và Erling Olsen (1995) đều đã thăm Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin cậy về chính trị cao giữa hai nước.

Về hợp tác kinh tế-thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong những năm qua đều tăng mạnh, ngay trong năm 2020 dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng đạt gần 500 triệu USD.

Việt Nam cũng đã tiếp cận, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ vào được thị trường Đan Mạch. Các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch cũng như trên thế giới như Vestas, Orsted (điện gió, năng lượng tái tạo), Lego (đồ chơi) đều đã cam kết sẽ có những dự án đầu tư lớn, thậm chí có những dự án có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) cũng rất tích cực khi hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau. Việt Nam cũng là thành viên cốt lõi, tham gia tích cực vào Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030 (P4G) do Đan Mạch sáng lập.

Trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, lao động… hai bên có các thế mạnh và lợi thế mang tính bổ trợ lẫn nhau nên tiềm năng còn rất lớn.

Nếu được chọn một từ để đánh giá về quan hệ Việt Nam-Đan Mạch, tôi tin rằng quan hệ giữa hai nước đã phát triển “bền vững” trong thời gian qua.

Trong một năm đặc biệt như năm nay, hai nước đã tổ chức những sự kiện, hoạt động ý nghĩa gì để kỷ niệm mối quan hệ nửa thế kỷ?

Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và kinh tế toàn cầu đang trong quá trình hồi phục và thích nghi với bối cảnh mới.

Được sự phê duyệt của Bộ Ngoại giao và sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam, Đại sứ quán đã triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm với những hoạt động thực chất, khả thi, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Mặc dù nhiều hoạt động được lên kế hoạch từ trước của cả Việt Nam và Đan Mạch bị ảnh hưởng, hai bên vẫn duy trì trao đổi Điện mừng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 76 của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch cũng đã kết hợp tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đan Mạch. Đông đảo đại diện của Chính phủ, doanh nghiệp, các giới Đan Mạch cũng như các cá nhân có đóng góp tích cực cho quan hệ giữa hai nước ngay từ những ngày đầu đã tham dự và ôn lại chặng đường phát triển quan hệ trong 50 năm qua.

Tại buổi lễ, Đại sứ quán cũng đã tổ chức hoạt động triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè Đan Mạch. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch cũng đã phối hợp với báo Copenhagen Post, tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Đan Mạch, ra phụ trương đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ. Hội hữu nghị Việt Nam-Đan Mạch cũng đã đăng bài trên tạp chí của Hội về quan hệ giữa hai nước.

Đặc biệt, nhân dịp này, Đảng Cộng sản tại Đan Mạch (Communist Party in Denmark) đã dịch và đăng tải toàn văn bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đăng trên tạp chí của đảng.

Tôi hi vọng trong thời gian tới, khi hai nước kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục có các hoạt động có ý nghĩa thiết thực để kỷ niệm cho mối quan hệ 50 năm này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bên lề Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, ngày 21/9/2021. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực và đang được thực thi tương đối hiệu quả, Đại sứ có lời khuyên gì dành cho doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng tốt hơn các lợi ích từ hiệp định và chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Đan Mạch?

Giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, thì việc EVFTA có hiệu lực giúp mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.

Xét về tiềm năng, quy mô thị trường, Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống cao nhưng xét về kim ngạch xuất nhập khẩu và khả năng tiêu thụ hàng hóa, Đan Mạch thực sự là “bé hạt tiêu”.

Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu dân nhưng theo số liệu thống kê năm 2020, kinh tế Đan Mạch đứng thứ 36/196 thế giới theo GDP danh nghĩa và thu nhập bình quân đầu người.

Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Đan Mạch mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020

Riêng với mặt hàng rau củ, EVFTA quy định xóa bỏ ngay 520/556 trong tổng số dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, 85,6% dòng sản phẩm sẽ giảm về 0% với nhóm rau quả chế biến. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể so với các nước cùng xuất khẩu nông sản vào EU, đặc biệt trong bối cảnh ta là nước đang phát triển duy nhất có FTA với EU.

Cộng đồng người Việt Nam ở Đan Mạch có trên 15.000 người và đang tăng thêm, sống tập trung ở các thành phố lớn, giao thông thuận tiện. Qua tiếp xúc và tìm hiểu, chúng tôi thấy nhu cầu của bà con về hàng hóa Việt Nam, nhất là rau củ quả, thực phẩm tươi sống và khô là không nhỏ.

Ẩm thực Việt Nam rất được bạn bè Đan Mạch ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp của người Việt ở đây, như các tiệm ăn Việt Nam, có nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm Việt Nam để có thể cho ra những món ăn thuần Việt. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên coi nhẹ nhu cầu này.

Cuối cùng, việc tìm hiểu và thâm nhập thị trường Đan Mạch luôn có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của các cơ quan Việt Nam ở sở tại là Đại sứ quán. Trong nước, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn về số lượng, chất lượng, xây dựng mạng lưới quan hệ ở châu Âu. EVFTA như một trận bóng đá, để có một trận bóng hay, các cầu thủ cần phát huy tinh thần tập thể, rèn luyện kỹ thuật và thể lực tốt.

Xét về toàn diện, EVFTA chỉ là điều kiện cần, nông sản Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện đủ còn lại mới có thể tận dụng hiệu quả tiềm năng vô cùng lớn mà hiệp định này mang lại. Thực tế chỉ ra, để tồn tại doanh nghiệp cần phải thay đổi, chấp nhận đương đầu thách thức để phát triển. Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt vươn lên.

Nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và rộng hơn nữa, thời gian tới Việt Nam và Đan Mạch cần chú trọng hợp tác trong những lĩnh vực nào?

Để tiếp tục đưa quan hệ hai nước được mở rộng và đi vào chiều sâu, trước hết hai bên cần tiếp tục duy trì đà phát triển và các kết quả tích cực đã đạt được trong các lĩnh vực hợp tác chủ chốt hiện nay như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, cũng như tận dụng các lợi ích mà EVFTA mang lại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên, Việt Nam và Đan Mạch có các thế mạnh mang tính bổ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, tiềm năng và dư địa phát triển còn rất nhiều.

Các lĩnh vực mà Việt Nam và Đan Mạch có thể chú trọng hợp tác hơn nữa trong tương lai như nông nghiệp-thực phẩm, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển xanh, bền vững.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn:https://baoquocte.vn/viet-nam-dan-mach-nua-the-ky-hop-tac-ben-vung-toan-dien-165808.html