Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 11:55

“Vì tôi yêu Việt Nam!”

     Hơn 5 năm qua, một người đàn ông đến từ nước Áo đã tích cực kêu gọi xã hội hóa để sửa chữa, xây mới hàng chục điểm trường dành cho trẻ em vùng cao Việt Nam. Mong ước của anh là giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, không chỉ góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân mà còn đóng góp cho cộng đồng…

Giáo dục sẽ giúp thay đổi cuộc sống

Người đàn ông đó là Thomas Farthofer. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế tại Vienna (Áo), anh làm việc trong lĩnh vực tài chính. Năm 2016, Thomas Farthofer khiến nhiều người ngạc nhiên khi quyết định gác lại công việc để thực hiện hoạt động tình nguyện ở châu Á. Thomas từng nghĩ tới nhiều quốc gia như: Lào, Myanmar, Nepal… nhưng cuối cùng đã lựa chọn Việt Nam trong vai trò tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

“Ban đầu tôi dự tính ở lại Việt Nam khoảng 6 tháng, nhưng Việt Nam đã chinh phục trái tim tôi. Đi đến đâu tôi cũng nhận được nụ cười, sự quan tâm, giúp đỡ của người dân địa phương. Cán bộ, giáo viên, học sinh nơi tôi tham gia tình nguyện đều rất nhiệt tình, thân thiện và cởi mở. Khi tôi đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, nhiều bạn trẻ lại gần, bắt chuyện với tôi để luyện tập tiếng Anh. Tôi rất trân trọng tinh thần hiếu học của các bạn”, Thomas tâm sự. Khi đi đến nhiều địa phương ở Việt Nam, Thomas nhận ra không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất. Vẫn còn nhiều ngôi trường bị xuống cấp nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, xây mới, ảnh hưởng lớn tới việc học tập của học sinh…

Thomas Farthofer và các em nhỏ tại một điểm trường ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), năm 2018.

Sau chuyến đi tình nguyện với những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, Thomas về Áo, mang theo dự định sẽ trở lại nơi đây để thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động tình nguyện và phát triển cộng đồng. Thomas chia sẻ ý tưởng này với một số người bạn có kinh nghiệm trong hoạt động thiện nguyện cũng như với một tổ chức thiện nguyện mà anh từng tham gia.

Thật tuyệt vời khi tất cả đều có chung một tình yêu với Việt Nam nên rất ủng hộ Thomas. Rất nhanh sau đó, mọi người đã quyên góp được một khoản tiền đủ để Thomas hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập tổ chức phi lợi nhuận Sao Biển-Không gian giáo dục (Sao Bien-Room for Education) tại Áo. Thomas là người sáng lập, đồng thời là quản lý dự án của Sao Biển. Ban điều hành Sao Biển gồm một chủ tịch, một thủ quỹ và một thư ký, tất cả đều tham gia trên tinh thần tình nguyện. Mục đích hoạt động của Sao Biển là tập trung hỗ trợ trẻ em, cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục tại các khu vực khó khăn, nơi có nhiều nhóm người dân tộc thiểu số sinh sống.

Các chi phí hành chính của Sao Biển được duy trì ở mức tối thiểu để tập trung tối đa nguồn lực cho dự án và cộng đồng. Báo cáo tài chính của Sao Biển đều được thực hiện theo đúng quy định của chính quyền Áo và luật lệ chung của châu Âu. Nhờ sự minh bạch cũng như ý nghĩa nhân văn trong hoạt động mà Sao Biển đã được các cơ quan tài chính của Áo chứng nhận là tổ chức từ thiện được miễn thuế. Nhiều doanh nhân ở Áo, đối tác doanh nghiệp ở châu Âu, một số tổ chức và các nhóm thiện nguyện ở Việt Nam… cũng rất tích cực ủng hộ, quyên góp kinh phí cho Sao Biển.

Giải thích lý do đặt tên cho tổ chức của mình là Sao Biển, Thomas cho biết, anh rất thích câu chuyện kể về một người đàn ông thường đi dọc bờ biển để nhặt những con sao biển bị mắc cạn trên cát và đưa chúng trở về với biển. Dù biết không thể cứu được tất cả chúng nhưng anh vẫn miệt mài làm.

Tương tự như vậy, tổ chức Sao Biển cam kết sẽ nỗ lực hết mình vì trẻ em thiệt thòi và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những điểm trường mà Sao Biển góp phần xây dựng có thể không hỗ trợ được hết các đối tượng, các địa bàn, nhưng dù chỉ mang lại cơ hội giáo dục tốt hơn cho một số trẻ em vẫn hơn là không làm gì. Thomas và cộng sự tin rằng giáo dục là một trong những cách bền vững nhất để giúp các em nhỏ thay đổi cuộc sống, thoát khỏi vòng xoáy đói nghèo.

Những ngôi trường của tình yêu thương

Cuối năm 2016, Thomas trở lại Việt Nam sau khi dự án đã có đủ nguồn kinh phí để xây gần 10 điểm trường, mỗi điểm trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Trước khi một điểm trường mới được hình thành, Thomas và các cộng sự chia nhau đến tận nơi khảo sát thực địa, làm việc với chính quyền địa phương, sau đó lên kế hoạch xây dựng và lập dự toán gửi cho Ban điều hành Sao Biển tại Áo phê duyệt. Quá trình này thường mất nhiều thời gian và công sức. Để bảo đảm các dự án đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, tất cả những bước thực hiện đều có sự tham gia của cán bộ hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm của Sao Biển.

Có chuyến thực địa ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu), Thomas phải vượt suối bằng xe máy để tới điểm trường, nếu sơ sẩy là có thể bị ngã xuống dòng nước. Có lần Thomas còn phải di chuyển bằng thuyền mới tới được điểm trường ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Trong một lần đến điểm xây trường ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Thomas bị tai nạn xe máy, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật. Sau tai nạn, dù bình phục nhưng Thomas đã phải từ bỏ sở thích chạy bộ của mình. Tuy nhiên, tâm huyết của anh và Sao Biển dành cho các cộng đồng khó khăn tại Việt Nam không vì thế mà thay đổi. Ngược lại, anh càng quyết tâm hơn trong việc thực hiện các dự án hỗ trợ giáo dục cho cộng đồng.

Từ những ngôi trường đầu tiên được xây dựng ở bản Pà Puộc, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La) và xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), 5 năm qua, Sao Biển đã hoàn thiện 36 dự án xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất cho các điểm trường mầm non và tiểu học tại 14 tỉnh, thành phố ở Việt Nam như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An…

Trong năm 2022, Sao Biển sẽ xây dựng hai điểm trường của Trường Mầm non Ánh Sao tại xã Kim Bon, huyện Phù Yên (Sơn La); xây Điểm trường Mầm non Hoa Lan ở xã Nậm Ty, huyện Sông Mã (Sơn La) và Điểm trường Mẫu giáo Họa My tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ngoài ra, Sao Biển cũng đang khảo sát lập kế hoạch xây dựng Điểm trường Mẫu giáo Hoa Ban ở xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắc Nông).

Với Thomas, mỗi dự án đều để lại trong anh ấn tượng riêng và dự án nào cũng đặc biệt vì đã mang lại cơ hội học tập cho một số trẻ em khó khăn. Lần đi khảo sát thực địa ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), sau khi vượt qua quãng đường dài, đến nơi, được nghe tiếng các em học sinh tiểu học đang ê a đọc bảng chữ cái, Thomas rất xúc động, chỉ mong sẽ xây mới điểm trường thật nhanh.

Hay như lần đến với điểm trường ở xã Xín Mần, huyện Xín Mần (Hà Giang), Thomas và các cán bộ của Sao Biển được các em nhỏ chạy ùa ra chào đón. Nhiều em còn đi chân đất, bộ quần áo mặc trên người mỏng manh nhưng tình cảm dành cho đoàn vô cùng ấm áp. Đó còn là sự nhiệt tình của người dân địa phương tích cực hỗ trợ dự án trong tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng và làm sạch đất nền khu vực xây trường…

Cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) chia sẻ: “Điểm trường ở xã Pa Ủ có 37 học sinh là con em dân tộc La Hủ theo học. Trước đây, điểm trường được dựng bằng gỗ, mái tôn. Qua thời gian, điểm trường đã xuống cấp, mùa đông gió lùa, mùa hè nóng bức. Năm 2019, một ngôi trường mới được xây bằng gạch, có trần tôn chống nóng, cửa kính do Sao Biển xây dựng thay thế trường cũ đã giúp cô và trò có môi trường học tập tốt hơn”.

Đánh giá về hiệu quả của những ngôi trường do Sao Biển xây dựng, ông Phạm Minh Hải, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) chia sẻ: “Mường Nhé đã được tiếp nhận hai điểm trường do Sao Biển xây dựng là điểm trường Chà Nọi và Tà Hàng, ở xã Mường Toong. Trước đây, do được dựng tạm bằng gỗ, tre, lá, vào mùa mưa, đặc biệt là tháng 4, 5, các điểm trường thường bị gió cuốn sập hoặc tốc mái. Nhiều hôm thầy cô đang dạy học phải đưa học sinh đến tránh trú tại nhà dân để bảo đảm an toàn.

Cũng vì vậy, nhiều trẻ phải nghỉ học trong mùa mưa bão. Từ khi có sự hỗ trợ của Sao Biển, Điểm trường Chà Nọi được xây dựng mới kiên cố. Điểm trường Tà Hàng cũng khang trang, vững chắc hơn. Ngoài hai phòng học còn có thêm một phòng công vụ và khu vực bếp ăn cho cô và trò. Hai điểm trường mới này không những đem lại điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh mà còn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương”.

Với những hoạt động ý nghĩa, năm 2018, Sao Biển đã được nhận Giải thưởng do Cộng đồng châu Âu bình chọn cho các hoạt động xã hội mang tính đột phá (Audience Award of Europe). Cùng năm đó và năm 2019, Sao Biển nhận được tài trợ từ Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc cho hai dự án xây trường ở Việt Nam. Năm 2019, Sao Biển được nhận giấy khen của UBND huyện Yên Minh (Hà Giang). Mới đây, trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập, Sao Biển cũng đã được nhận thư từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Áo.

Trong thư, đại sứ ghi nhận và gửi lời tri ân tới tổ chức Sao Biển đã có nhiều đóng góp ý nghĩa dành cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số khó khăn-đối tượng yếu thế cần được trợ giúp. Đại sứ Việt Nam tại Áo khẳng định, sự đóng góp của Sao Biển hoàn toàn phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc và Điều 28 về quyền được học tập của trẻ em quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Thomas chia sẻ, tới đây, Sao Biển dự kiến phát triển các điểm trường thân thiện với môi trường và xây dựng thêm không gian cho trẻ em vui chơi. Ngoài trọng tâm là xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất giáo dục, Sao Biển còn có kế hoạch triển khai một số hoạt động giáo dục khác như hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trực tuyến hay quyên góp và ủng hộ sách giáo dục bằng tiếng Anh cho trẻ em…

“Nhiều người hỏi tôi bao giờ sẽ kết thúc các hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam, nhưng đến nay, tôi vẫn chưa có ý định dừng lại, vì tôi yêu Việt Nam!”, Thomas nói.

Nguồn: http://vufo.org.vn/Vi-toi-yeu-Viet-Nam-52-93879.html?lang=vn