Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 29/03/2024 22:23

Văn hoá giúp hai nước Việt Nam-Ấn Độ gần nhau hơn

Bà Rachna Srivastav – Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội, chia sẻ niềm vui khi thấy công chúng, trong đó cả thế hệ trẻ và người cao tuổi của Việt Nam đam mê tìm hiểu về văn hoá Ấn Độ.

Bà Rachna Srivastav – Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội.

Những năm gần đây, Trung tâm Văn hoá Swami Vivekananda đã trở thành địa điểm hấp dẫn với nhiều người Hà Nội. Bà có những ấn tượng với công chúng Việt Nam?

Một trong những mục tiêu hoạt động của Đại sứ quán Ấn Độ là làm sao lan tỏa văn hoá Ấn Độ hơn nữa đến với mỗi quốc gia và bạn bè trên thế giới. Do đó, chúng tôi đã thành lập trung tâm văn hoá ở các nước sở tại.

Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda được thành lập tại Hà Nội từ năm 2016 và khánh thành vào năm 2017. Trung tâm chú trọng giới thiệu các loại hình văn hoá đặc sắc của Ấn Độ như yoga, âm nhạc, múa cùng các hoạt động khác như chiếu phim, toạ đàm, hội thảo… nhằm không ngừng kết nối và tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước.

Tôi rất vui mừng và thích thú khi thấy công chúng, trong đó cả thế hệ trẻ và người cao tuổi của Việt Nam rất đam mê tìm hiểu về văn hoá của Ấn Độ. Họ còn đọc và tìm hiểu cả những bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ như Ramayana và Mahabharata, các tôn giáo khác nhau của Ấn Độ. Họ cũng đến giao lưu với các nhân viên của Trung tâm, đọc sách ở thư viện và tham gia các lớp học của chúng tôi.

Bên cạnh đó, bất cứ hoạt động nào chúng tôi đăng lên trang mạng xã hội đều có nhiều lượt tương tác. Tôi thấy sự tham gia hào hứng như vậy ở Việt Nam rất hiếm có so với các nước khác.

Bất cứ người già hay người trẻ đều thể hiện sự ham học hỏi khi tham gia các hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là hoạt động lễ hội Ấn Độ.

Tôi nghĩ, Việt Nam ở Ấn Độ đều có rất nhiều điểm tương đồng về văn hoá, truyền thống gia đình và tín ngưỡng đạo Phật… Chính những sự tương đồng thú vị này đã giúp người dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, Trung tâm gặp những trở ngại và khó khăn gì trong việc tiếp cận công chúng Việt Nam?

Tôi cho rằng, chúng tôi đã tiếp cận công chúng Việt Nam rất tốt. Có lẽ, ngôn ngữ là yếu tố duy nhất tạo nên rào cản cho hai dân tộc. Nhưng những cán bộ người Việt Nam đang công tác tại Trung tâm đã giúp phiên dịch và gắn kết công chúng đến tham gia và tìm hiểu văn hóa Ấn Độ. Bởi vậy, việc tiếp cận không còn rào cản hay trở ngại nào cả.

Ngoài ra, các tổ chức liên quan ở Việt Nam cũng có hỗ trợ chúng tôi rất nhiều như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội hữu nghị Việt Nam Ấn Độ thành phố Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda nhằm đưa Ấn Độ đến gần hơn với công chúng Việt Nam.

Bà có thể chia sẻ hoạt động nổi bật của Trung tâm trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ?

Năm nay, chúng tôi tập trung vào các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế Yoga lần thứ tám với các hoạt động trên khắp Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp nhận hai giáo viên dạy múa tại Trung tâm cùng với giáo viên dạy yoga và tiếng Hindi.

Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức rất nhiều các hoạt động lễ hội khác trong tháng Tám nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của đất nước Ấn Độ.

Có thể nói, mỗi tháng chúng tôi có ít nhất một hoạt động lễ hội đặc trưng của văn hoá Ấn Độ, cũng như khung lịch trình, thời gian tổ chức các sự kiện tiêu biểu giúp công chúng Việt Nam có thể hiểu sâu sắc hơn về đất nước chúng tôi.

Cá nhân bà có những tình cảm đặc biệt gì dành cho Hà Nội?

Tôi thấy Hà Nội là một thành phố rất an toàn để sống, thậm chí tôi ra khỏi nhà vào lúc 2h sáng vẫn cảm thấy rất yên tâm. Đó là một trong những ít thành phố trên thế giới này có được điều đó.

Tôi cũng thích lái xe ở Hà Nội. Dù giao thông ở thành phố khá đông nhưng mọi người đều tuân thủ pháp luật nên tôi vẫn thấy an toàn.

Với tôi, người dân ở Hà Nội rất nồng ấm và tốt bụng. Thành phố rất đẹp, nên thơ và thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ.

Đặc biệt, tôi đã kết giao được với rất nhiều người bạn tốt ở Hà Nội. Mặc dù tôi đã ở đây được một năm rưỡi nhưng đối với tôi cảm giác như mới ngày hôm qua thôi!

Xin cảm ơn bà!

Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda được khai trương nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ (2007-2017).

Trung tâm tổ chức các lớp dạy Yoga, dạy nhạc và nhạc truyền thống, dạy tiếng Anh và tiếng Hindi, các lớp thủ công mỹ nghệ Ấn Độ, biểu diễn ca múa nhạc, chiếu phim, tổ chức triển lãm, hội thảo, tổ chức sự kiện xúc tiến liên quan (du lịch, kinh tế, thương mại…), tổ chức sự kiện văn hoá, hợp tác với các hoạt động của người Ấn Độ tại Việt Nam, đồng thời có tổ chức phòng đọc và thư viện.

Mang tên Swami Vivekananda (1863-1902) – một tu sĩ Ấn Độ giáo cũng là một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của trường phái triết học Vedanta, trung tâm là bước phát triển tốt đẹp, khẳng định sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Ấn Độ tới nhân dân Việt Nam, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch.

Nguồn:https://thoidai.com.vn/van-hoa-giup-hai-nuoc-viet-nam-an-do-gan-nhau-hon-175236.html