Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 05:31

TÔI LÀM NGOẠI GIAO NHÂN DÂN

Tháng 7 năm 1989, theo lời mời của Hội Hữu nghị Xô – Việt, tôi được sang Liên Xô để tìm hiểu thực tế viết về những nười Việt Nam đang lao động ở Liên Xô theo Hiệp định ký kết giữa hai nước. Sở dĩ có lời mời này từ phía Liên Xô vì tình hình lao động và đời sống của lao động Việt Nam ở Liên Xô thời gian này có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng xấu đi mà cả hai phía Liên Xô và Việt Nam đều còn nhiều vướng mắc, lúng túng chưa giải quyết được. Hội Hữu nghị Xô -Việt có sáng kiến mời một nhà văn Việt Nam sang tìm hiểu tình hình một cách khách quan để có những bài viết phản ánh đúng sự thật, góp phần giải quyết những khó khăn, trở ngại. Hội nhà văn Việt Nam đã chọn cử tôi vì trước đó, tôi đã có nhiều năm viết về đề tài công nhân trong nước. Thời gian bạn mời là trong vòng 30 ngày. Bạn sẽ lo điều kiện ăn ở, đi lại để tôi có thể đến được 4 địa phương đang có nhiều lao đông Việt Nam làm việc. Đó là thủ đô Mascơva, Lêningrat, Kratnôđa và Iaroslap. Ở Mascơva, tôi được ở khách sạn Ucaraina, một khách sạn thuộc loại sang của Mascơva thời gian ấy. Di chuyển đi các địa phương bằng máy bay hoặc tàu hỏa, có phiên dịch của Hội Hữu nghị Xô – Việt cùng đi, và nơi ăn nghỉ rất chu đáo. Ở những nơi đến, tôi được bố trí làm việc với lãnh đạo các đơn vị sản xuất có lao động Việt Nam và gặp gỡ từng đối tượng theo yêu cầu. Ban quản lý lao động người Việt Nam ở Liên Xô cũng thông báo khá trung thực, đầy đủ và trao đổi, dặn dò tôi những điều cần lưu ý trong quá trình đi tìm hiểu thực tế. Điều nổi cộm mà cả hai phía Việt Nam – Liên Xô đều quan tâm là số lao động Việt Nam ở Liên Xô thời gian này thường có năng suất thấp, thậm chí bỏ việc, cùng với số đã hết thời hạn cũng không về nước, trở thành dân lưu vong, buôn bán hàng nhập lậu, rất khó quản lý. Khi làm việc với tôi, phía bạn đều nêu thắc mắc: tại sao hầu hết lao động Việt Nam đều thông minh, chăm làm, dễ hòa nhập, nhưng chỉ thời gian đầu là làm việc tích cực nhiệt tình đi tham quan, du lịch, vui chơi giải trí do bạn tổ chức nhưng thời gian sau đó thì ý thức lao động giảm sút, ngoài giờ làm việc lao đi các cửa hàng mua sắm. Hàng hóa họ mua không phải chỉ để sử dụng vì những thứ như quạt điện, bàn là, dây mayxo, thuốc men, vải vóc…nếu chỉ dùng cho cá nhân và gia đình thì cần gì phải mua với số lượng nhiều đến thế. Nhiều hàng hóa thuộc loại này ở Liên Xô thời gian này cũng rất khan hiếm. Mỗi khi có hàng về, người mua phải xếp hàng dài, mỗi người đến lượt chỉ được mua một cái. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, một người lao động Việt Nam có thể mua một lúc hàng chục hàng trăm cái. Ở những nơi có tập trung người Việt Nam lao động, mỗi lần chứng kiến họ đóng hàng vào côngtennơ, chuyển về nước, có bà già đã bật khóc. Mâu thuẫn giữa thanh niên Liên Xô với người lao động Việt Nam đã xuất hiện, có nơi xảy ra đánh lộn. Nghe bạn thắc mắc tôi đã giải thích với họ: Sỡ dĩ có tình trạng như vậy vì những lao động Việt Nam sang đây không chỉ lo cho cuộc sống của riêng họ, mà hầu hết còn phải dành dụm gửi về cho gia đình, vợ con. Vì phía Liên Xô chỉ trả lương cho họ bằng đồng rúp. Mà đồng rúp không thể gửi về tiêu ở Việt Nam nên họ phải chuyển đổi giá trị đồng rúp bằng cách mua hàng gửi về để gia đình họ ở Việt Nam có thể bán hàng hưởng thêm giá trị chênh lệch vì những thứ hàng này ở Việt Nam rất được ưa chuộng. Họ bắt buộc phải làm vậy, không thể khác. Nhìn những người lao động Việt Nam, ngoài giờ sản xuất phải tranh thủ lao đi các cửa hàng, khuôn về lỉnh kỉnh những quạt điện, bàn là, nồi áp suất, nồi nhôm, chậu nhôm nặng nề tôi cũng thấy thương và cảm thông với những khó khăn vất vả của họ. Những nười Việt Nam đi làm chuyên gia, lao động ở một số nước như châu Âu, châu Phi, họ được trả lương bằng đôla thì đâu có chuyện phải vất vả như vậy. Ở Việt Nam bây giờ nền kinh tế cũng đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Với hàng hóa, khách hàng càng mua số lượng nhiều càng được khuyến khích, đâu có chuyện xếp hàng mỗi người chỉ được mua một cái. Tôi đến nhiều nhà máy có lao động Việt Nam, sản xuất ra nhiều mặt hàng Việt Nam đang cần như quạt điện, bàn là, tủ lạnh, xe máy, vải vóc… Tại sao các nhà máy này không xem xét có chế độ ưu tiên bán sản phẩm cho người lao động Việt Nam để họ bớt phải đi lo chạy mua hàng ở khắp nơi. Phía bạn nói là không thể được vì sản xuất ở Liên Xô đều theo kế hoạch. Nhà nước giao rất chặt chẽ. Nhưng qua đó, họ hiểu rõ và có phần cảm thông hơn với những người lao động Việt Nam. Được biết, chị Irina, người phụ trách chương trình tiếng Việt ở Đài phát thanh Mascơva là một nhà báo rất năng nổ, xông xáo, rất quan tâm nhiệt tình đến những vấn đề nóng cần giải quyết với lao động Việt Nam ở Liên Xô. Chị đã đến hầu hết các cơ sở sản xuất có lao động Việt Nam, nhiều lần sang tận Việt Nam đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các lao động Việt Nam, sau đó viết bài bênh vực quyền lợi chính đáng của lao động Việt Nam trên các báo chí ở Liên Xô, tôi đã liên lạc, gọi điện cho chị. Irina đã đến tận chỗ tôi đang ở để cùng trao đổi những điều hai bên cùng quan tâm. Theo Irina thì những vướng mắc có phần thiệt thòi cho lao động Việt Nam vì chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định với Liên Xô là đưa người Việt Nam sang học việc, chứ không phải là xuất khẩu lao động. Hiệp định cũng không qui định cụ thể là chế độ học như thế nào, ngành nghề cụ thể ra sao nên lao động Việt Nam được bố trí sắp xếp tùy tiện cho các cơ sở sản xuất, và chế độ lương bổng là theo chế độ học việc, còn sau khi người lao động thành nghề trở về Việt Nam có tiếp tục được làm nghề hay không lại là chuyện khác. Quy định như vậy làm sao không thiệt thòi cho người lao động? Tôi nói với Irina rằng sở dĩ có một Hiệp định như vậy vì phía Việt Nam chỉ nghĩ đơn giản là trong chiến tranh, Liên Xô đã có sự giúp đỡ rất to lớn và hiệu quả về vũ khí, phương tiện và người để Việt Nam giành chiến thắng nên khi hòa bình đã được lập lại, Việt Nam muốn góp sức lao động vốn dồi dào của mình để trả nghĩa với Liên Xô.
Khi sắp hết thời hạn 30 ngày bạn mời, theo yêu cầu của tôi cần có thêm thời gian “đi thực tế theo kiểu Việt Nam”, nghĩa là được cùng ăn cùng ở với lao động Việt Nam mới có thể nắm vần đề thực chất hơn vì đi theo kế hoạch bạn mời có thể chỉ đến những nơi điển hình tốt. Đại sứ quán Việt Nam đã chấp nhận mời tôi ở lại Liên Xô thêm 30 ngày. Tôi chọn Xí nghiệp Liên hiệp Zil ở Mascơva, nơi có đông lao động Việt Nam nhất, tới gần 2000 người và ở luôn trong “ốp” với người lao động. Quả là đi thực tế kiểu này tôi đã biết được nhiều chuyện mà thời gian chỉ đi theo kế hoạch của bạn không thể có được. Gần kết thúc chuyến đi, đại sứ Việt Nam tại Liên Xô lúc đó là đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm có nhã ý gặp trò chuyện với tôi về những thu hoạch và suy nghĩ của tôi xung quanh vấn đề người Việt Nam đang lao động ở Liên Xô. Thời gian dự tính là 1 giờ. Nhưng rồi cuộc trò chuyện giữa tôi và đại sứ đã diễn ra kéo dài suốt 3 giờ buổi sáng chưa dứt. Đại sứ rất ngạc nhiên và thích thú với những ý kiến mang tính thực tế sâu sắc và bổ ích của tôi mà từ trước tới nay, nhiều lần làm việc với Ban quản lý người lao động ở Việt Nam chưa được đề cập tới. Đồng chí đại sứ yêu cầu tôi có thể ở thêm 30 ngày nữa, được không? Tôi thưa với đại sứ là rất muốn được ở lại thêm theo lời mời nhưng kế hoạch đã định khó thay đổi, xin cảm ơn thịnh tình của đại sứ. Trước khi rời Liên Xô, Đài Tiếng nói Mascơva có cuộc phỏng vấn tôi về vấn đề người Việt Nam đang lao động ở Liên Xô.
Trở về nước, tôi đã có loạt bài phản ánh hiện trạng người Việt Nam đang lao động ở Liên Xô và những kiến nghị cần giải quyết, được bạn đọc rất quan tâm với những phản hồi tích cực. Những ngày ấy tôi không hề nghĩ là mình đã làm ngoại giao nhân dân, nhưng bây giờ nhớ lại thấy rõ ràng mình đã may măn có dịp được tham gia công tác này và đã đạt được kết quả khá tốt đẹp với cả hai phía Việt Nam, Liên Xô./.

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng