Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 01:41

TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT VỚI NHÂN DÂN ĐỨC

Với những người Việt có quãng thời gian sinh sống ở Cộng hòa Đức, mỗi khi nhắc đến xứ sở nổi tiếng của những cốc bia đậm đà, hương vị xúc xích đặc biệt…thì họ luôn bày tỏ lòng biết ơn và khi trở về Việt Nam mong muốn làm điều gì đó để báo đáp ân tình từ tấm lòng người Đức, cố gắng vun đắp tình hữu nghị hai nước. Người tôi nhắc đến đó là ông Trương Hồng Dũng, 72 tuổi, trú tại Nha Trang – Khánh Hòa, hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Đức tỉnh Khánh Hòa.

Ký ức một thời

Tháng 8 năm 1968, Hà Nội mùa thu đẹp như một bức tranh và bức tranh ấy gieo vào lòng ông Dũng và tất cả những chiến sĩ trong đoàn những nỗi niềm và phảng phất những xúc cảm thân thương. Từ ga Hà Nội thân yêu, ông Dũng và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trên vai nặng trĩu hành lý và cả tấm lòng sâu nặng   bước lên tàu hỏa, chờ đợi tiếng kéo còi lăn bánh qua nước Đức xa xôi.

Đoàn đi tổng cộng 50 người, ông là thành viên trong số 20 người đi với danh nghĩa Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, 30 người còn lại là chiến sĩ miền Bắc Việt Nam Dân chủ cộng Hòa, những thế hệ trẻ tuổi đôi mươi ra đi với tấm lòng yêu nước. Trên chuyến tàu đến thủ đô Berlin (Đức) ấy, hội ngộ đầy đủ những con người đến từ nhiều vùng quê và Bắc –  Nam đã sum họp một nhà; họ hát vang khúc quân hành, tiếng cười rộn rã, ra đi mà “lòng phơi phới dậy tương lai”.

Từ Hà Nội qua Berlin (Đức) bằng tàu hỏa phải mất hai tuần lễ, ông và các bạn đến điểm đầu tiên là thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) rồi từ đây hành trình ngược lên Mông Cổ, đến Liên Xô, đến Ba Lan và cuối cùng là Thủ đô Berlin (Đức). Dẫu chặng đường dài 1/4 vòng Trái Đất, nhưng: “ Chúng tôi thích lắm, phấn khởi vô cùng, qua ô cửa tàu được ngắm nhìn sự bao la rộng lớn của thiên nhiên kỳ vĩ, tất cả chúng tôi ai cũng hồ hởi nhưng có một điều là lúc nào chúng tôi cũng không quên nghĩ về Tổ quốc, quê hương mình, điều đó đã  giúp vơi đi những mệt nhọc. Khi đến Thủ đô Berlin – Đức, chúng tôi được chào đón nhiệt tình bởi những người dân đôn hậu: họ ôm hôn chúng tôi và nói: “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” Chắc bạn biết cảm giác đó rồi chứ ! Thật sự hạnh phúc và đó là kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ nhớ mãi khi lần đầu được đặt chân nơi này”. Ông Dũng tâm sự với ánh mắt rạng ngời.

Khoảng thời gian sau khi hoạt động cách mạng, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc, có người lính khi hoàn thành nhiệm vụ, họ đã trở về nhưng ông và một số người đã ở lại, sau đó ông trở thành du học sinh chuyên ngành Kỹ sư thực phẩm học một trường Đại Học ở Đức. Tại đây ông được sự quan tâm đặc biệt của những thầy, cô giáo người Đức giảng dạy tận tình: “ Những ngày đầu bước chân vào cổng trường, tôi chưa biết nhiều tiếng Đức nhưng tôi hiểu tấm chân tình họ dành cho người Việt qua ánh mắt, nụ cười và những cái ôm thật chặt mỗi khi gặp nhau”. Sau 3 năm học tập, đến năm 1975 khi đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng ông trở về Việt Nam.

Năm 1988, ông lại có dịp tiếp tục qua Đức và được làm đội trưởng Đội Hợp tác lao động của tỉnh Nghĩa Bình (tỉnh cũ thuộc Việt Nam), đó là đội tập hợp đội ngũ lao động của người Việt Nam kết hợp với người Đức đang sinh sống và làm việc tại nước Đức thời đó. Làm được 2 năm đến năm 1990 khi nước Đức thống nhất, tất cả hợp đồng của ông và những người lao động khác bị hủy, thế rồi một lần nữa ông quay về lại Việt Nam. Từ đó đến nay ông trải qua nhiều nơi làm việc, lao động trong các công ty thực phẩm tại Thủ đô Hà Nội, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh, đến năm 2009 ông nghỉ hưu. Những ngày tháng về hưu, trong lòng ông trỗi dậy những ký ức một thời khó quên trên nước Đức, một khao khát được làm gì đó cho họ. Năm 2010 với kinh nghiệm và vốn kiến thức tiếng Đức của mình, ông gia nhập đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức tại Nha Trang – Khánh Hòa.

Hành trình kết nối với nhân dân Đức

Những ngày tháng của tuổi thanh xuân tươi trẻ luôn là khoảng thời gian thích hợp cho những chuyến xê dịch, khám phá chân trời và các vùng đất mới.  Được đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc để tìm hiểu nền văn hóa, lịch sử đất nước và tìm cho mình cảm giác yên bình nhất là mong muốn với nhiều người. Riêng với ông Trương Hồng Dũng mang nhiều điều đặc biệt, ý nghĩa hơn. Dù đã bước sang cái tuổi gọi là “xế chiều”, ông vẫn nhiệt huyết nghề hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức bởi đó là ước mơ, được ấp ủ khi còn trẻ mà ông chưa thực hiện được, còn bây giờ, khi có cơ hội, ông bày tỏ: “Còn sức lực là còn đi, đi để tìm lại những xúc cảm nhạt nhòa, đi để gắn kết nghĩa tình giữa con người Việt Nam với người Đức xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, đó vừa là cách để tôi trả lại những ân tình mà bản thân nhận được khi sống trên đất Đức”.

Ông Trương Hồng Dũng – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Đức tỉnh Khánh Hoà

Mười năm với nghề hướng dẫn viên du lịch, được khám phá nhiều nơi, phát hiện biết bao điều mới, hấp dẫn. Có lẽ ở độ tuổi của ông ít ai ngờ rằng ông vẫn dồi dào sức khỏe băng rừng, trèo đèo lội suối, đi bộ hàng chục km đến những nơi hẻo lánh, xa xôi cùng với những du khách Đức mà không biết mệt là gì, đó là điều chúng ta phải khâm phục và ngưỡng mộ.

Càng ngày ông đam mê với công việc và gần gũi với du khách hơn. Thế rồi một nảy sinh ý định thôi thúc trong đầu ông: Phải làm gì để kết nối họ lại với nhau? Phải làm gì để vun đắp tình bằng hữu giữa con người tỉnh Khánh Hòa và nhân dân Đức? Đó là những câu hỏi thường trực ngay cả khi ông nhắm mắt trước khi ngủ còn trăn trở vì điều đó. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, trời không phụ tấm lòng, với ý chí và nỗ lực ông đã hoàn thành ý nguyện.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập hội, ông chia sẻ “Còn nhớ lúc đó, nhận thấy những người lao động Việt Nam tại Đức rất nhiều, hơn 100 lao động và những người Đức đang sinh sống tại tỉnh Khánh Hòa ngày càng đông,  xuất phát từ lòng yêu nước Đức, quyết tâm thành lập một tổ chức để kết nối, giao lưu giữa nhân dân hai nước. Thế rồi mong muốn ấy cũng được chấp thuận, năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý ký quyết định số 309/QĐ- CTUBND, vào ngày 10 tháng 2 cho phép thành lập Hội Hữu nghị Việt-  Đức, lúc đó tôi vỡ òa hạnh phúc…” ông Dũng xúc động vừa kể vừa rơi nước mắt.

 Vượt qua khó khăn…nối dài nhịp cầu hữu nghị

Những ngày đầu thành lập tổ chức Hội, với cương vị Chủ tịch ông cùng với các thành viên đã gặp phải những khó khăn và thách thức: tài chính hạn hẹp, nhân lực chưa đủ, chưa kể có những rào cản ngôn ngữ, một số hội viên chưa nói được tiếng Đức…nhưng với sự quan tâm lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa và đặc biệt là Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa, ông và các thành viên trong hội đã đồng lòng vượt qua mọi gian khó, đến nay tổ chức hội tròn sáu năm hình thành và phát triển.

Sáu năm qua, ông và các thành viên hội đã tích cực tập hợp và vận động đông đảo các anh chị em hội viên tham gia vào nhiều các hoạt động nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Đức. Bên cạnh đó ông còn vận động các bạn bè đến từ quốc gia Áo, Thụy Sĩ thành lập Hội Những người nói tiếng Đức với hội viên trên 110 người. Hằng năm, cứ đến dịp lễ, Tết Nguyên Đán Việt Nam, ông cùng với các hội viên gây quỹ, thăm và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Với tinh thần chủ động, ông đã phối hợp với các Hội thành viên khác của tỉnh và kiều bào, bạn bè quốc tế triển khai nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ,…nhằm xây dựng tình hữu nghị Việt Nam và các nước, góp phần đưa hoạt động ngoại giao nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào chiều sâu và cùng hướng tới mục tiêu chung phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Đặc biệt năm 2020, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt là đại dịch Covid-19, tại tỉnh Khánh Hòa, ông đã vận động các thành viên trong hội phát huy tinh thần “tương thân tương ái” đã cùng chung tay với các Hội thành viên vận động các khoản viện trợ giúp đỡ những người nước ngoài đang gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch bệnh, góp phần củng cố hình ảnh Khánh Hòa là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện đối với du khách.

Bước sang tuổi 72, vừa trải qua căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe giảm đi đôi chút nhưng ông vẫn luôn tươi cười, vui với đời. Ở ông có một nghị lực kiên cường, một lòng nhiệt huyết và say mê công việc, tất cả điều đó đã khắc sâu trong tâm khảm và trở thành kim chỉ nam giúp ông vượt qua các nghịch cảnh của cuộc sống. Dẫu ngoài kia dòng đời hối hả, mỗi sáng sớm ông vẫn bình thản bên ly cà phê trò chuyện, tâm sự với những người bạn Đức, sau đó ông lặng lẽ trở về văn phòng làm việc. Ông tâm sự: “Điều tôi muốn là sẽ tiếp tục duy trì và giữ gìn hội, làm tròn nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Đức nói chung, giữa nhân dân Khánh Hòa với các bạn Đức đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh nói riêng không ngừng phát triển, đó là tâm tâm nguyện cũng là hành động mà tôi muốn làm trong quãng thời gian còn lại của mình”.

Đức Tiến