Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 15:44

Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp CTCHN Việt Nam – Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam từng bước hình thành một cách hoàn chỉnh, gồm ba bộ phận cấu thành là công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, mà nhiệm vụ chung cấp bách là góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng.

 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cục diện thế giới hoàn toàn thay đổi với nhịp độ rất nhanh chóng. Thắng lợi của các lực lượng dân chủ chống phát-xít trong chiến tranh tạo đà cho sự phát triển các xu hướng độc lập dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế giới. Sự phân hoá và tập hợp lực lượng mới sau chiến tranh đã tác động mạnh mẽ đến tình hình Việt Nam. Nước ta phải đối phó cùng một lúc với nhiều lực lượng quân sự đối địch gồm 300.000 quân của các nước lớn có mặt ở Việt Nam.

Ở phía Bắc, gần 200.000 quân Tưởng vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, mang theo số người Việt sống lưu vong ở Trung Quốc. Những nhóm người Việt này thuộc các tổ chức giả danh cách mạng như Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) do Chính quyền Tưởng nuôi dưỡng từ lâu. Ở phía Nam 26.000 quân Anh-Ấn vào giải giáp quân đội Nhật. Ngày 01/01/1946, Anh ký Hiệp định trao quyền cho Pháp giải giáp quân đội Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16 để đổi lấy một số quyền lợi của Anh ở Xy-ri và Li-băng. 1.500 quân Pháp bị Nhật bắt giam trong cuộc đảo chính 09/3/1945 được thả ra và được vũ trang trở lại. Các đội quân viễn chinh mới của Pháp lại được đưa vào miền Nam. Ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở của Uỷ ban Nhân dân Nam bộ tại Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngoài ra còn 60.000 quân Nhật ở Việt Nam chờ giải giáp.

Trong khi đó, sau nhiều năm chiến tranh, kinh tế đất nước suy sụp, tài chính kiệt quệ, nạn đói vẫn kéo dài.

Trong tình hình thế giới và trong nước cực kỳ khó khăn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ra sức hoạt động về ngoại giao, bao gồm cả ngoại giao nhân dân, để bảo vệ tính hợp pháp của chính quyền cách mạng, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Với Trung Quốc, tăng cường hữu nghị, thân thiện với nhân dân Trung Quốc, thực hiện chủ trương “Việt-Hoa thân thiện”. Ít lâu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 11/02/1945, Hội Việt-Trung hữu hảo được thành lập nhằm góp phần thực hiện chủ trương đó.

Với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân. Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 01/10/1945, Người đề nghị một phái đoàn gồm độ 50 thanh niên Việt Nam sang thăm Mỹ để thiết lập quan hệ văn hoá với  thanh niên Mỹ và xúc tiến việc nghiên cứu  về kỹ thuật, nông nghiệp và các lĩnh vực chuyên môn khác. Việt Nam cũng chủ động thành lập Hội Việt-Mỹ thân hữu ngày 17/10/1945, tiền thân của Hội Việt-Mỹ.

Với Pháp, Việt Nam đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 chấp nhận quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam về mặt  pháp lý, tạo điều kiện cho quân Tưởng rút về nước nhanh chóng, và tháng 09/1946 đã rút hết về Trung Quốc cùng với các nhóm Việt Quốc, Việt Cách. Ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Marius Moutet đã ký bản Tạm ước Việt-Pháp. Hai bên tạm thời thoả thuận về một số vấn đề cấp bách có tính chất bộ phận, còn một hiệp định toàn diện sẽ được thương lượng trong cuộc đàm phán vào tháng 01/01/1947. Nhưng những người điều hành chính sách thực dân của Pháp đã làm tiêu tan mọi hy vọng dàn xếp hoà bình ở Đông Dương. Đêm 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn, Việt Nam vẫn chủ động triển khai các hoạt động quốc tế để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 21/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước đồng minh tố cáo chính sách lật lọng của thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định sơ bộ 06/3/1946, Tạm ước 14/9/1946 và khẳng định: “Những hành động của thực dân Pháp định chiếm lấy nước chúng tôi thực rõ rệt, không thể chối cãi được. Việt Nam nay bị đặt trước hai đường, một là khoanh tay; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập”. Tháng 12/1946, Việt Nam gửi Lời kêu gọi đến Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an nêu rõ nguồn gốc và tình hình cuộc chiến tranh ở Đông Dương và đề nghị ủng hộ việc vãn hồi hoà bình ở Việt Nam.

Ta chủ trương mở rộng quan hệ ngoại giao cấp chính phủ, tranh thủ sự ủng hộ của các nước châu Á và các nước thuộc địa Pháp, nhưng trong khi quan hệ nhà nước còn hạn chế, ta đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao của các đoàn thể nhân dân. Đoàn đại biểu nhân dân đầu tiên của ta đi tranh thủ quốc tế là đoàn đi dự Hội nghị Liên Á họp ở Niu Đê-li tháng 4/1947. Việt Nam cũng cử đoàn đi dự Hội nghị các nước châu Á ủng hộ In-đô-nê-xi-a  chống hành động xâm lược của thực dân Hà Lan.

Khi các nước Đông Âu trở thành các nước dân chủ nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tranh thủ dư luận quốc tế. Các đoàn thể dân chủ quốc tế như thanh niên, công đoàn, phụ nữ, phong trào hoà bình của các nước này hoạt động mạnh mẽ. Tháng 02/1948, tại Đại hội Thanh niên Châu Á họp ở Calcutta (nay là Kolkata, Ấn Độ), đại diện thanh niên thế giới và Liên hiệp công đoàn thế giới đã mời Việt Nam cử đại diện đến Tiệp Khắc. Cùng tháng 02/1948 một đoàn cán bộ 10 người làm nhiệm vụ tuyên truyền và tranh thủ dư luận quốc tế đã tập trung ở Việt Bắc để ra nước ngoài hoạt động. Sau khi đến Băng Cốc, đoàn sáp nhập với một số thanh niên, sinh viên từ Nam Bộ ra. Tại đây số cán bộ này được phân công tăng cường cho các cơ quan đại diện của ta ở Băng Cốc, Rangoon (nay là Yangon) và làm đại diện cho các tổ chức công đoàn, thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Praha. Từ các cơ quan này, các đại diện của Việt Nam thường được cử đi dự các hội nghị quốc tế.

Từ năm 1948, hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam được đẩy mạnh rõ rệt. Ta đã tham gia Hội nghị Liên hiệp Công đoàn thế giới ở Milan (Ý), Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới ở Budapest (Hungari) mùa Hè 1949, Hội nghị Công đoàn châu Á – Ôxtrâylia ở Bắc Kinh tháng 10/1949.

Năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân Đông Âu, Mông Cổ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các Hội hữu nghị của Việt Nam với nhân dân các nước xã hội xã hội chủ nghĩa cũng được thành lập. Từ cuối năm 1950, chiến thắng biên giới mở rộng đường ra quốc tế đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động đối ngoại chung của nước ta, trong đó có đối ngoại nhân dân.

Ngày 22/3/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức Hội Việt – Hoa hữu nghị. Trước đó, Ban Chấp hành lâm thời của Hội đã được thành lập do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Hội trưởng. Ngày 23/5/1950, Hội hữu nghị Việt – Xô được thành lập, Chủ tịch là cụ Tôn Đức Thắng. Tiếp sau đó, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận Chính phủ Việt Nam. Một số Hội hữu nghị giữa Việt Nam với mỗi nước trên cũng được thành lập.

Tháng 02/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập các đảng cách mạng riêng ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia phù hợp với điều kiện từng nước. Trong lúc tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Việt Nam chủ trương đoàn kết chặt chẽ với Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, giành độc lập cho mỗi nước.

Một trong những định hướng quan trọng của công tác đối ngoại và vận động quốc tế của ta trong thời kỳ này là đoàn kết với phong trào nhân dân Pháp đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, hoà bình và chống chiến tranh Đông Dương. Thực hiện chủ trương này, tháng 7/1950, ta đã mời đồng chí Léo Figuères, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội, Tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, sang thăm vùng tự do Việt Bắc. Để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, và dấy lên phong trào chống chiến tranh ngay trên đất nước Pháp, Léo Figuères đã viết những bài báo quyết liệt gửi đăng trên các báo ở Pháp. Phong trào chống chiến tranh ở Pháp ngày càng mạnh mẽ. Từ đó xuất hiện những anh hùng phản chiến như chị Raymonde Dien, anh Henri Martin.

Năm 1950, chị Raymonde Dien, trong một cuộc mít-tinh ở thành phố Tours (Pháp), đã nằm ngang trên đường xe lửa để ngăn cản một đoàn tàu chở vũ khí cho quân đội Pháp ở Việt Nam. Anh Henri Martin đã phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp. Cả hai người đều bị chính phủ Pháp bắt giam.

Trong buổi tiếp Léo Figuères ngày 20/7/1950 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển lời cám ơn đến các tầng lớp nhân dân Pháp đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đồng thời nêu điều kiện chủ yếu để lập lại hoà bình ở Việt Nam là “quân đội Pháp phải rút về nước”, mối bang giao giữa hai nước sau này sẽ phát triển trên cơ sở bình đẳng. Nhằm thúc đẩy phong trào phản chiến ở Pháp, ta quyết định trao trả cho Pháp 228 tù binh và nhân viên dân sự Pháp, và trao danh sách cho Léo Figuères mang về Pháp công bố. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều thư động viên binh lính và gia đình binh lính Pháp. Khẩu hiệu “Hoà bình và hồi hương” đã trở thành động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

Cùng với thất bại của đội quân viễn chinh Pháp ở chiến trường, phong trào phản chiến ở Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Khẩu hiệu đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân Pháp về nước trở thành một trong những mục tiêu đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Pháp cho dân sinh, dân chủ và hoà bình. Từ Pháp, phong trào phản chiến đã lan rộng sang các nước Châu Âu khác, trong đó có các nước Bắc Âu.

Từ những năm 1949, 1950, Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân quốc tế, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc kháng chiến của ta đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chiến tranh bảo vệ hòa bình.

Tháng 4/1949, Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình, sự kiện quốc tế chống nguy cơ chiến tranh hạt nhân được tổ chức lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đã diễn ra song song tại Paris và Praha. Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam gồm 11 người, chủ yếu là Việt Kiều tại Pháp và các nước khác ở Tây Âu, đã tham dự Đại hội. Đến cuối năm 1950, khi Hội đồng Hòa bình Thế giới chính thức được thành lập theo quyết định của Đại hội, Việt Nam được coi là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng.

Ngày 19/11/1950, Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự; Bác sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Chủ tịch.

Sự ra đời của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (tháng 5/1988 được đổi tên thành Ủy ban Hòa bình Việt Nam), tổ chức đối ngoại nhân dân đa phương đầu tiên được Đảng ta thành lập để hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực hòa bình, đã gắn liền cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình giành độc lập dân tộc của nhân dân ta với sự nghiệp bảo vệ hòa bình của nhân dân toàn thế giới. Ngày 17/11/1950, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, đã được chính thức lấy làm Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam từng bước hình thành một cách hoàn chỉnh, gồm ba bộ phận cấu thành là công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, mà nhiệm vụ chung cấp bách là góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng.

Tiếp đó, Việt Nam tham dự Hội nghị hoà bình Châu Á – Thái Bình Dương họp tại Bắc Kinh tháng 10/1952. Từ năm 1950 đến năm 1953, 9 hội nghị quốc tế bảo vệ hoà bình quan trọng đều ra nghị quyết ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tháng 10/1953, Đại hội công đoàn thế giới lần thứ III với sự tham gia của đại biểu 79 nước đã quyết định lấy ngày 19-12, Ngày toàn quốc kháng chiến của Việt Nam, làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam”.

Tóm lại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam, mà trọng tâm là hoạt động về hòa bình, đã tích cực phát huy tính chính nghĩa và các bước thắng lợi của nhân dân ta. Với sự phối hợp và giúp đỡ của các tổ chức hòa bình quốc tế và quốc gia, trước hết là ở Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa, đối ngoại nhân dân ta đã góp phần vận động được nhân dân nhiều nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi chấm dứt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp ở Đông Dương, tác động tích cực vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Nguồn: vufo.org.vn