Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Bảy, 20/04/2024 16:00

Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp CTCHN Việt Nam – Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác đối ngoại nhân dân nói chung trong đó có hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữ vai trò quan trọng và luôn được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng

Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), đất nước ta đứng trước hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất nước nhà.

Khi Mỹ leo thang chiến tranh (1965–1966), các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và 12 (tháng 3/1965 và tháng 12/1965) xác định rõ thêm nhiệm vụ của đối ngoại là “tích cực tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân các nước trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Các hoạt động đối ngoại nhân dân ở miền Bắc

Các hoạt động hữu nghị song phương tiếp tục được đẩy mạnh với trọng tâm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị nhân dân với Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Cu-ba, đồng thời mở rộng quan hệ nhân dân với các nước độc lập dân tộc, các phong trào giải phóng dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ đoàn kết của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình công lý ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Các Hội hữu nghị Việt – Xô và Hội hữu nghị Việt – Trung vốn được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tiếp tục hoạt động và được củng cố về mặt tổ chức và ban lãnh đạo. Hoạt động hữu nghị nhân dân thông qua kênh của Hội hữu nghị Việt – Xô và Hội hữu nghị Việt – Trung phối hợp với Hội hữu nghị Xô – Việt và Hội Trung – Việt hữu hảo đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào rộng lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ.

Truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia vốn đã nảy nở và phát triển trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp lại càng được củng cố trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hội nghị nhân dân Đông Dương tại Phnom Penh tháng 8/1965 đã thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” biểu thị tình cảm hữu nghị, đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đối với nhân dân Việt Nam… Tháng 1/1975, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào do Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực làm Chủ tịch và Hội hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia do Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ làm Chủ tịch được thành lập đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam với các nước cùng trên bán đảo Đông Dương.

Năm 1965, Hội hữu nghị Việt Nam – Cu-ba được thành lập với vị Chủ tịch đầu tiên là đồng chí Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân. Hội đã phối hợp với Hội hữu nghị Cu-ba – Việt Nam trong các hoạt động đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh ở Cu-ba và được biểu thị cô đọng trong câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel Castro: “Máu của Việt Nam cũng là máu của Cu-ba. Vì Việt Nam Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, các phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh coi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng đã sớm dấy lên phong trào đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam, với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi, đặc biệt ở Ấn Độ, các nước Mỹ la-tinh.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, phong trào đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tháng 5/1961, Hội hữu nghị Việt – Pháp chính thức ra mắt, do Giáo sư Hoàng Xuân Sính làm Chủ tịch. Đại hội đề ra chương trình hành động nhằm củng cố mối quan hệ đoàn kết, sẵn có với nhân dân Pháp từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và thúc đẩy phong trào nhân dân Pháp đoàn kết với Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hàng trăm tổ chức đoàn kết với Việt Nam ở các nước tư bản chủ nghĩa khác cũng đã được hình thành với nhiều hoạt động phong phú (như ở Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Nhật Bản…)

Đặc biệt, phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã hình thành và phát triển ngay trong lòng nước Mỹ, thu hút hàng triệu người Mỹ thuộc đủ mọi thành phần tham gia.

Năm 1966, ở trong nước, Tiểu ban Mỹ vận được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, có nhiệm vụ nghiên cứu và tham mưu các chủ trương tuyên truyền, giải thích cho nhân dân và công luận Mỹ về lập trường chính nghĩa của nhân dân ta và sự phi nghĩa của chiến tranh xâm lược của chính quyền Mỹ.

Trên cơ sở đó, tháng 7/1968, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ được thành lập, do Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, làm Chủ tịch. Từ thời điểm đó cho đến khi nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn (năm 1975), Ủy ban đã làm đầu mối quan hệ với tất cả các tổ chức và cá nhân của phong trào phản chiến ở Mỹ. Cuộc gặp gỡ Việt-Mỹ tại Bratislava (Tiệp Khắc) tháng 9/1967 là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai đoàn đại biểu từ hai miền Việt Nam (đoàn miền Bắc do ông Nguyễn Minh Vỹ dẫn đầu, đoàn miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu) đã gặp đoàn đại biểu của nhân dân Mỹ, đem đến cho các bạn niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ cũng đón hàng trăm người từ trong và ngoài phong trào phản chiến ở Mỹ vào thăm miền Bắc Việt Nam với mục đích trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến tranh anh dũng của nhân dân ta chống cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ và tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của không quân Mỹ gây ra cho dân thường Việt Nam. Những tư liệu, bức ảnh, cuộn phim, băng ghi âm… họ mang về đã làm rõ thêm tội ác chiến tranh của Mỹ và chính nghĩa của Việt Nam trong dư luận Mỹ và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ phát triển mạnh mẽ thêm. Có thể nói phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng, buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta năm 1975.

Kết hợp đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương

Hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương được đẩy mạnh trong khuôn khổ các chương trình hành động của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy ban đoàn kết với nhân dân Á – Phi của Việt Nam và Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam.

Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã tiếp tục tích cực hoạt động trong phong trào hòa bình thế giới. Ủy ban đã mở cuộc vận động và thu được 5 triệu chữ ký hưởng ứng Tuyên bố Béc-lin đòi năm nước lớn ký Công ước Hòa bình (1955) tham gia Hội nghị thế giới chống bom A&H đầu tiên ở Nhật Bản (tháng 8/1955), bày tỏ sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân ta, ủng hộ sáng kiến hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước. Ủy ban đã tích cực góp phần mở rộng phong trào hòa bình, đoàn kết, hữu nghị trong các nước Á – Phi, tham gia thành lập Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á – Phi (AAPSO) tháng 1/1958.

Trong khi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình lần thứ 3 với gần 1000 đại biểu tham dự, để quán triệt tình hình về nhiệm vụ mới, đẩy mạnh cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước, xây dựng miền Bắc, bảo vệ hòa bình thế giới. Khi Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, Ủy ban đã tổ chức Đại hội hòa bình lần thứ tư vào năm 1962 nhằm đẩy mạnh phong trào hòa bình, chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam.

Là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC), Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của WPC. WPC cũng tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam, coi đoàn kết với Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào hòa bình thế giới. Các đại hội của Hội đồng đều có nghị quyết ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam.

Tháng 10/1956, Ủy ban Đoàn kết châu Á của Việt Nam được thành lập, do Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm Chủ tich. Sau Hội nghị đoàn kết nhân dân Á-Phi lần thứ nhất tại Cairo (Ai Cập) từ 20/12/1957 đến ngày 1/1/1958 và việc thành lập Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á – Phi (AAPSO), Ủy ban Đoàn kết châu Á của Việt Nam được mở rộng thành Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á – Phi của Việt Nam và là một trong những thành viên sáng lập của AAPSO.

Ngay từ những ngày đầu, Ủy ban đã tích cực tham gia các hoạt động của AAPSO, cử đoàn tham dự các Hội nghị đoàn kết quốc tế do AAPSO tổ chức hoặc đi thăm các nước châu Á, châu Phi nhằm thông tin về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Mỹ đồng thời biểu thị tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân ta đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Á – Phi – Mỹ La tinh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân giành và bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Thông qua những hoạt động đó, Ủy ban đã giành được sự ủng hộ tích cực và chí tình của AAPSO qua nhiều hoạt động, tổ chức các Hội nghị quốc tế, phát động phong trào quần chúng, ra tuyên bố nghị quyết ủng hộ Việt Nam. Vấn đề Việt Nam luôn có một vị trí quan trọng trong hoạt động của AAPSO. Tại Đại hội lần thứ hai ở Conakry (Ghi-nê) tháng 4/1960, AAPSO thành lập Ban Chấp hành và cử Việt Nam vào Ban Chấp hành. Tại Đại hội lần thứ ba ở Moshi (Tan-da-ni-a) năm 1963, AAPSO đã mời đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Ban Thư ký Thường trực. Đại hội lần thứ tư tại Winneba (Ga-na) năm 1965 đã lấy vấn đề Việt Nam làm trung tâm và lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bác bỏ luận điệu thương lượng không điều kiện của Mỹ. Tháng 9/1968, AAPSO triệu tập Hội nghị bất thường ủng hộ nhân dân Việt Nam ở Cairo, đề ra chương trình hành động trong đó có hoạt động tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tháng 7/1972, sau khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam và phong tỏa cảng Hải Phòng, AAPSO đã vận động 8 nước châu Phi mời hai đoàn đại biểu của Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á-Phi hai miền Nam và Bắc Việt Nam tới thăm để trình bày tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và tranh thủ chính phủ và nhân dân các nước đó lên án những bước leo thang chiến tranh nghiêm trọng của Mỹ.

Song song với quan hệ đoàn kết với AAPSO, Ủy ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của Việt Nam cũng là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á – Phi – Mỹ la-tinh (OSPAAAL). OSPAAAL được thành lập theo sáng kiến của Đảng và Chính phủ Cuba với sự ủng hộ của AAPSO sau Hội nghị đoàn kết ba châu, ra mắt ngày 01/01/1966 và đặt trụ sở tại La Habana.

Ngoài Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và Ủy ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của Việt Nam, một số hoạt động hòa bình đoàn kết, hữu nghị còn được tiến hành thông qua kênh của Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam (thành lập tháng 10/1956), và đã tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ của phong trào quốc tế ngữ thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Thời kỳ này, Hội là thành viên của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Chủ tịch.

Ngày 5/6/1974, Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập với đối tác là nhân dân các nước mà ta chưa có tổ chức hữu nghị riêng. Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám được cử làm Chủ tịch, Bác sĩ Trần Duy Hưng là Phó Chủ tịch.

Sôi nổi các hoạt động ở miền Nam

Ở miền Nam, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) và nhiều tổ chức nhân dân thành viên Mặt trận đã mở ra một thời kỳ hoạt động sôi nổi, sâu rộng của đối ngoại nhân dân.

Bên cạnh các tổ chức phụ nữ, thanh niên, sinh viên, lao động, nông dân, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, Phật giáo, Công giáo… – mà mỗi tổ chức đều có những hoạt động đối ngoại – có một số tổ chức chuyên làm công tác đối ngoại nhân dân: Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam (thành lập tháng 9/1961, Chủ tịch: Bác sĩ Phùng Văn Cung), Ủy ban đoàn kết Á-Phi của miền Nam Việt Nam (Chủ tịch: Giáo sư Nguyễn Ngọc Thưởng), Ủy ban nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ la-tinh (Chủ tich: Hòa thượng Thích Thiện Hào), Ủy ban nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ (Chủ tịch: Dược sĩ Hồ Thu).

Mặt trận và các tổ chức thành viên một mặt kiên trì đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ, cơm no áo ấm, hoà bình thống nhất Tổ quốc, mặt khác, đặc biệt từ năm 1962, từng bước triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với lực lượng ngày càng đông đảo. Ngay sau khi thành lập, Mặt trận đã cử ông Huỳnh Văn Tâm, Ủy viên Trung ương Mặt trận, Phó Chủ tịch Hội Lao động Giải phóng, đi dự Hội nghị bất thường Liên hiệp Công đoàn Thế giới tại Mát-xcơ-va cuối tháng 12/1960. Đầu năm 1962, đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của Mặt trận do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Tổng Thư ký, dẫn đầu thăm chính thức Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Tháng 5/1962, đoàn đại biểu Mặt trận dự Đại hội Hòa bình Thế giới ở Mat-xcơ-va.

Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên tại Pa-ri (18/01/1969), rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (6/6/1969), hoạt động đối ngoại nhân dân miền Nam càng được đẩy mạnh, mở rộng và đa dạng hóa, gắn kết với đối ngoại nhà nước miền Nam và với hoạt động đối ngoại chung của miền Bắc.

Hàng trăm đoàn của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đi hàng chục nước châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ la-tinh và Bắc Mỹ, đến cả thủ đô nhiều nước đồng minh và sân sau của Mỹ. Các đoàn đều tận dụng mọi cơ hội mở rộng tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, tham gia rộng rãi các hội nghị, đại hội, diễn đàn và tòa án quốc tế. Qua đó, các đoàn đã cung cấp thông tin, nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giới thiệu đường lối, chính sách của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cùng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam Việt Nam, đồng thời bày tỏ đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nhiều tổ chức thành viên Mặt trận đã được kết nạp vào các tổ chức dân chủ quốc tế (hòa bình, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, luật gia, nhà báo, nhà văn…); một số đã được bầu vào cơ quan lãnh đạo các tổ chức này. Tháng 3/1963, Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á-Phi của miền Nam Việt Nam cử đoàn do Bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu dự Đại hội Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á-Phi (AAPSO) tại Moshi, Tan-da-ni-a; tại đây Ủy ban được bầu vào Ban Thư ký thường trực AAPSO.

Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã góp phần mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời và nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, các đại sứ quán và cơ quan đại diện của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở ngót 30 nước  Á, Phi, Âu, Mỹ la-tinh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân; sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan này đã trực tiếp tạo điều kiện để củng cố và phát huy hiệu quả của hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tại các đô thị, các hoạt động hoà bình hợp pháp đã được triển khai ngay từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ngày 10/8/1954, Phong trào Hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn ra đời, chủ trương vận động nhân dân đô thị và toàn miền Nam đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, giữ gìn hòa bình, bảo đảm quyền tự do dân chủ, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Phong trào cũng tìm cách tranh thủ thái độ công bằng, khách quan của đại diện các nước trong Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế.

Ban lãnh đạo Phong trào gồm Dược sĩ Trần Kim Quang (Chủ tịch),  bà Nguyễn Thị Lựu (Phó Chủ tịch), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Phó Chủ tịch), Giáo sư Phạm Huy Thông (Tổng Thư ký). Cơ quan ngôn luận là tập san Hòa Bình. Chỉ trong một thời gian ngắn, 32 ủy ban hòa bình cơ sở đã được thành lập tại các khu phố, nhà máy, trường học.

Chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, bắt giữ 33 người chủ chốt của Phong trào. Trong số đó, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc gần 7 năm (từ khi bị bắt ngày 15/11/1954 đến khi được các lực lượng giải phóng giải thoát ngày 30/10/1961).

Nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị vẫn không bị dập tắt. Ngày 16/11/1964, Phong trào Dân tộc Tự quyết (Luật sư Nguyễn Long làm Chủ tịch) được thành lập tại Sài Gòn. Ngày 16/2/1965, do Phong trào làm nòng cốt, Ủy ban Vận động Hòa bình ra đời (Tổng Thư ký: Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ). Ủy ban chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đô thị, tiến hành đấu tranh chính trị bằng pháp luật quốc tế, phối hợp với phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Năm 1966, Ủy ban đã chuẩn bị có hoạt động tại Sài Gòn với sự tham gia của một đoàn gồm 6 nhân sĩ hòa bình Mỹ do Mục sư Abraham Johannes Muste dẫn đầu, nhưng không thành vì đoàn đã bị chính quyền Sài Gòn trục xuất sau khi cho côn đồ tấn công khiêu khích.

Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân, sự xuất hiện của “Lực lượng chính trị thứ Ba” và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, tiếp đó là việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn càng ráo riết đàn áp, khủng bố phong trào đô thị.

Trong bối cảnh đó, một loạt tổ chức đã ra đời hoặc được mở rộng, kết hợp nhiều thành phần xã hội, nhiều hình thức đấu tranh (hợp pháp, nửa hợp pháp và “phi pháp”), lồng ghép hoạt động chính trị vào sinh hoạt xã hội, văn hóa, tôn giáo.

Đặc biệt, hoạt động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (thời kỳ do Anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Chủ tịch) và Phong trào Phụ nữ Việt Nam đòi Quyền Sống (một liên minh gồm 22 tổ chức, ra mắt ngày 02/8/1970, do bà Luật sư Ngô Bá Thành làm Chủ tịch, bà Trần Thị Lan làm Tổng Thư ký) đã có những hoạt động phối hợp với các tổ chức và nhân sĩ chống chiến tranh ở Mỹ.

Ngày 11/7/1970, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn chủ trì tổ chức “Đại hội Sinh viên Thế giới kỳ I” với sự tham gia của đoàn 7 đại biểu sinh viên Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lơn, Hà Lan và Bỉ do Anh Charles Palmer, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Mỹ (USNSA), dẫn đầu. Tuyên cáo của Đại hội đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa hợp dân tộc, chấm dứt đàn áp học sinh, sinh viên. Tháng 12/1970, đoàn đại biểu USNSA do Chủ tịch David Ifshin dẫn đầu thăm Sài Gòn, đã ký với Tổng hội Sinh viên Sài Gòn một “Hiệp ước hòa bình của nhân dân”.

Ngày 05/01/1971, Phong trào Phụ nữ Việt Nam đòi Quyền Sống phối hợp với Liên hiệp Quốc tế Phụ nữ vì Hòa bình và Tự do (WILPF) tổ chức một Hội nghị phụ nữ quốc tế tại Sài Gòn với sự tham gia của một “Phái đoàn Sứ giả Hòa bình Quốc tế” do bà Kay Camp, người Mỹ, Chủ tịch WILPF, dẫn đầu và gồm chủ tịch các phân bộ WILPF ở Ca-na-đa, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pháp. Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó đòi Tổng thống Mỹ Nixon công bố lịch trình rút toàn bộ quân đội, cố vấn Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký (27/01/1973), Mỹ rút quân khỏi miền Nam, nhưng chính quyền Sài Gòn đã công khai phá hoại hòa bình, vi phạm các thỏa thuận về ngừng bắn, lấn chiếm vùng giải phóng, tăng cường đàn áp phong trào đô thị. Nhiều tổ chức mới ra đời, nổi bật là Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Pa-ri ra đời ở Sài Gòn, kết hợp đấu tranh quần chúng với vận động báo chí quốc tế và tranh thủ Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế. Phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến ngày miền Nam được giải phóng (30/4/1975).

Trong suốt hai thập niên chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng, hoạt động đối ngoại nhân dân của cả hai miền Nam-Bắc đã được tiến hành liên tục, đa dạng, vừa có trọng điểm vừa luôn được mở rộng, với sự phối hợp nhịp nhàng “tuy hai mà một” giữa các tổ chức và lực lượng của hai miền, với hiệu quả ngày càng tăng, góp phần cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước vận động hình thành trên thực tế một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Nguồn: http://vufo.org.vn