Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Năm, 25/04/2024 00:24

Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp CTCHN Việt Nam – Thời kỳ 1975 – 2012

Sau chiến thắng 30/4/1975, đối ngoại nhân dân nói riêng và đối ngoại chung của Việt Nam chủ trương tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật; tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Nông dân vận chuyển lương thực nộp thuế nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh tư liệu)

I. Thời kỳ 1975-1992

Sau thắng lợi, không khí cách mạng dâng cao là một thuận lợi nhưng hậu quả chiến tranh rất nặng nề cả về vật chất và con người trong khi phải đối phó với chính sách cấm vận và chiến lược hậu chiến phá hoại của Mỹ. Tư duy quản lý từ thời chiến khi chuyển sang thời bình chưa kịp thời thay đổi, duy ý chí, mô hình quản lý quan liêu bao cấp, làm tình hình kinh tế – xã hội rất khó khăn.

Trên trường quốc tế, chiến thắng của Việt Nam là nguồn cổ vũ và đóng góp to lớn vào sự phát triển của phong trào nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, mâu thuẫn Xô-Trung ngày càng gay gắt và bộc lộ công khai đã khiến phong trào bị chia rẽ dẫn đến suy yếu. Quan hệ giữa các nước lớn Mỹ-Xô, Mỹ-Trung diễn ra rất phức tạp, vừa cạnh tranh vừa hoà hoãn, cũng đặt phong trào ở nhiều nước trước những tình huống phức tạp.

Trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế với những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức như trên, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 khoá III họp tháng 9/1975 đã nêu: “Nhiệm vụ công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước ta là: Tích cực tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời củng cố quốc phòng và an ninh; phát huy tác dụng của Đảng ta và nước ta trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tăng cường đoàn kết với Lào và Campuchia, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho ba nước Đông Dương trở thành lực lượng vững chắc của cách mạng và hoà bình ở Đông Nam Á. Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Xây dựng quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước thế giới thứ 3 cùng các nước khác trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.” (Văn kiện Đảng tập 36 trang 401 NXBCTQG 2004) .

Tiếp đó, Đại hội Đảng lần thứ IV tháng 12/1976 nêu rõ trong Nghị quyết: “Trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quốc phòng; tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ”.

Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là:

a) Ra sức tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác giữa nước ta với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em, làm hết sức mình để góp phần cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em và phong trào cộng sản quốc tế khôi phục và củng cố đoàn kết, tăng cường ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình, làm cho lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng thắng lợi rực rỡ.

b) Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; làm cho ba nước vốn đã gắn bó với nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước.

c) Hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước Đông Nam châu Á vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và trung lập thật sự, không có căn cứ quân sự và quân đội của đế quốc trên đất nước mình; sẵn sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại trong hòa bình.

d) Hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác, giúp nhau về mọi mặt giữa nước ta với các nước đang phát triển; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của phong trào các nước không liên kết chống chính sách xâm lược và lũng đoạn của chủ nghĩa đế quốc, nhằm bảo vệ độc lập, tự do, giành lại quyền làm chủ vĩnh viễn tài nguyên thiên nhiên của nước mình và thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới trên cơ sở tôn trọng chủ quyền dân tộc.

đ) Hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản chủ nghĩa đang ra sức xây dựng mặt trận thống nhất rộng rãi, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn tư bản lũng đoạn trong nước và nước ngoài, giành quyền dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội, bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho chủ nghĩa xã hội.

e) Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa nước ta với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

g) Kiên quyết cùng các nước anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới tiếp tục chung sức đấu tranh chống chính sách xâm lược và gây chiến của bọn đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, góp phần tích cực vào sự nghiệp gìn giữ và củng cố hòa bình trên thế giới”. (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 4 tháng 12-1976, tập 27 NXB CTQG 2004).

Với chính sách đối ngoại như trên, ngay sau khi miền Nam được giải phóng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trương thống nhất sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong đó có các hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng. Ban Quốc tế Nhân dân tiếp tục tồn tại và hoạt động, có bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự của đơn vị làm đối ngoại nhân dân của CP72. Lãnh đạo Ban tiếp tục là đồng chí Xuân Thủy, Trưởng Ban; và đồng chí Lê Toàn Thư, Phó Trưởng Ban.

Từ năm 1976, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của hai miền Nam Bắc đều lần lượt hợp nhất, cùng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Quốc tế Nhân dân.

Ban Quốc tế Nhân dân có hai nhiệm vụ: nghiên cứu và quản lý các hoạt động đối ngoại của các tổ chức nhân dân, và nghiên cứu và trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị. Quyết định của Ban Bí thư nêu rõ:

“Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng, nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng về chủ trương đối ngoại của các đoàn thể nhân dân, nhằm phối hợp với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tăng cường hữu nghị với nhân dân các nước, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”

“Theo dõi, điều hòa hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân miền Bắc; phối hợp hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân miền Nam trong các đợt vận động quốc tế rộng lớn và trong những hội nghị quốc tế quan trọng; giúp Trung ương Đảng xét duyệt các đề án, kế hoạch hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân miền Bắc.”

“Giúp Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á – Phi của Việt Nam, Ủy bảo Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, các hội hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam”

“Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại của Đảng và Ban Tuyên huấn Trung ương về chương trình và kế hoạch vận động quốc tế có liên quan; giúp những địa phương có quan hệ về công tác đối ngoại của nhân dân. Góp ý kiến về các chính sách, chế độ liên quan đến công tác đối ngoại của các đoàn thể nhân dân.”

Ngày 26/01/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể Ban Quốc tế Nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ban Quốc tế Nhân dân được chuyển về Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, lập thành hai Vụ mới: Vụ 8 chủ yếu nghiên cứu và quản lý công tác đối ngoại của các tổ chức nhân dân (nay là Vụ Đối ngoại nhân dân của Ban Đối ngoại Trung ương); Vụ 7 chủ yếu nghiên cứu và trực tiếp triển khai thực hiện hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, trong đó có Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước).

+ Năm 1979 đánh dấu một bước ngoặt trong tình hình mọi mặt của Việt Nam. Tháng 01/1979, Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Cam-pu-chia giúp các lực lượng cách mạng Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Một tháng sau (tháng 02/1979), chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận đối với Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á chưa có biến chuyển tích cực.

Trong bối cảnh đó, Đại hội lần thứ 5 của Đảng họp tháng 3/1982 đề ra mục tiêu của chính sách đối ngoại là “cần ra sức tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi và, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế to lớn và nhiều mặt cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội khẳng định “quan hệ toàn diện với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta”.

Hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị được tăng cường và mở rộng. Năm 1984, Đảng đoàn Ủy ban đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập, với nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tất cả các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Đồng chí Trịnh Ngọc Thái được cử làm Bí thư Đảng đoàn.

+ Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng quá trình đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới tư duy đối ngoại. Nghị quyết Đại hội khẳng định:

“Tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vì sự nghiệp dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Đấu tranh giữ vững hoà bình ở Đông Dương, góp phần gìn giữ hoà bình ở Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới chống chính sách của các giới đế quốc chạy đua vũ trang và gây nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phát triển quan hệ đặc biệt ba nước Việt Nam Lào và Campuchia; đoàn kết và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; góp phần tăng cường sức mạnh của cộng đồng  xã hội chủ nghĩa.

“Tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản và công nhân quốc tế … Mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế …ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc … Mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình… sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vân đề thuộc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường hoá quan hệ và khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước vì hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”. (Văn kiện Đảng tập 47-NXB CTQG 2005, tr 560-561)

Tháng 8-1988, Bộ Chính trị khoá VI ra Nghị quyết số 13, đánh dấu việc đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Nghị quyết nêu rõ chủ trương góp phần giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ và mở rộng quan hệ với các nước Tây Bắc Âu và Nhật Bản, từng bước bình thường hoá quan hệ với Mỹ.

Tháng 5/1989, Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước đổi tên thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn.

Tháng 12/1989, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) được thành lập như một đơn vị trong Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Từ đó, Liên hiệp có thêm nhiệm vụ làm đầu mối vận động và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Trong thời kỳ chống Mỹ, đối với miền Bắc, các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam chủ yếu ủng hộ ta về chính trị, tuy cũng đã có những chuyến hàng viện trợ nhưng thường mang tính tượng trưng. Sau năm 1975, bạn bè ở Mỹ và Tây Bắc Âu tiếp tục có những dự án nhỏ giúp đỡ về y tế, quyên góp quần áo như Ủy ban giúp đỡ y tế Việt Nam, Lào, Campuchia của Anh đã quyên góp nhiều thuốc giúp Việt Nam. Viện trợ lớn nhất là của tổ chức Hành động Giúp đỡ Việt Nam [HilfAktion Vietnam] của Cộng hòa Liên bang Đức do bà Sybille Weber làm Chủ tịch, đã giúp gần một triệu đô la xây dựng Nhà máy kim khâu Cầu Bươu, Nhà máy dệt 10-10 của Hà Nội. Trước năm 1989, các khoản viện trợ nhỏ từ các tổ chức hữu nghị và đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa giúp Việt Nam thông qua các Hội hữu nghị của ta cũng khá nhiều, nhưng việc tiếp nhận và phân phối lúc đó do Bộ Tài chính đảm nhận).

Sau Đại hội lần thứ VII của Đảng tháng Sáu 1991, công tác đối ngoại nhân dân đã nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ. Ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị – xã hội độc lập, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của các hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Trực tiếp triển khai các hoạt động này trong những năm 1975-1992 là các tổ chức được thành lập và trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và một số tổ chức mới ra đời sau năm 1975. Trong số đó, đáng chú ý nhất có:

1. Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước (ra đời ngày 05/6/1974) do đồng chí Hoàng Minh Giám làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

2. Ủy ban Hoà bình Việt Nam (thành lập năm 1950 với tên gọi Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam), lần lượt có các vị Chủ tịch: Bác sĩ Lê Đình Thám (1950-1967), Luật sư Bộ trưởng Phan Anh (1967-1988), Luật sư Bộ trưởng Phan Hiền (1989-1999), sau này là Giáo sư Vũ Đình Cự, Phó Chủ tịch Quốc Hội (1999-2011); hiện nay là đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội.

3. Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hoà bình của Việt Nam (thành lập năm 1956, theo Điều lệ đầu tiên là thành viên của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam). Hội do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm Chủ tịch. Năm 1988, Hội tách ra thành một tổ chức độc lập. Hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ tịch Hội.

4. Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á-Phi (thành lập năm 1956 với tên gọi Ủy ban Đoàn kết châu Á, năm 1994 đổi tên thành Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ latinh) lần lượt có các vị Chủ tịch: Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cụ Tôn Quang Phiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Trần Danh Tuyên, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Trịnh Ngọc Thái, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (1988-1992); và đồng chí Phạm Văn Chương, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (1992 đến nay).

5. Hội hữu nghị Việt Nam – Liên Xô (Việt – Xô) (thành lập năm 1950) lần lượt có các vị Chủ tịch: đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước; đồng chí Xuân Thuỷ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ năm 1980); đồng chí Đặng Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng.

6. Hội hữu nghị Việt – Trung (thành lập năm 1950) lần lượt có các vị Chủ tịch: đồng chí Hồ Tùng Mậu, nhà cách mạng tiền bối; đồng chí Bùi Kỷ, một nhân sĩ nho học nổi tiếng; Giáo sư Đặng Thai Mai; đồng chí Xuân Thuỷ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; hiện nay là đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội.

7. Hội hữu nghị Việt-Pháp (thành lập năm 1961) lần lượt có các vị Chủ tịch: Giáo sư Hồ Đắc Di, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội; Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Bộ trưởng Bộ Văn hoá; Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; hiện nay là đồng chí Nguyễn Huy Quang, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

8. Ủy ban đoàn kết với nhân dân Mỹ thành lập năm 1968 ở cả hai miền Nam, Bắc; năm 1976 hợp nhất thành Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ về sau đổi tên là Hội Việt-Mỹ. Hội lần lượt có các vị Chủ tịch: đồng chí Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Phan Hiền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Giáo sư Nguyên Huy Phan; đồng chí Chu Tuấn Nhạ, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giáo sư Đặng Vũ Minh; hiện nay là đồng chí Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

9. Thời kỳ này, thêm một số hội hữu nghị mới được thành lập: Hội hữu nghị Việt Nam – Hung-ga-ri do đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch; Hội hữu nghị Việt Nam – Ru-ma-ni do đồng chí Trần Văn Huynh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức do đồng chí Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, làm Chủ tịch; Hội hữu nghị Việt Nam – Ba-Lan do đồng chí Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Bộ Năng lượng làm Chủ tịch. Các hội hữu nghị Việt Nam – Cu-ba, Việt Nam – Mông Cổ, Việt – Nhật được thành lập trước đây vẫn tiếp tục hoạt động. Riêng Hội hữu nghị Việt – Triều hoạt động khó khăn do ảnh hưởng của quan hệ Việt – Trung với đối tác Triều Tiên.

10. Đồng thời, do yêu cầu tăng cường ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước đang phát triển, thêm một số ủy ban đoàn kết và hội hữu nghị được thành lập: Ủy ban đoàn kết với Chi-lê, Ủy ban đoàn kêt với En Xan-va-đo, Ủy ban đoàn kết với Pa-le-xtin, Hội hữu nghị Việt Nam – I-rắc, Hội hữu nghị Việt Nam – Xy-ri,

+ Đối tác của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam bước đầu được đa dạng hóa, nhưng chủ yếu vẫn thuộc các nước xã hội chủ nghĩa và đang phát triển:

– Với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, ta có quan hệ chặt chẽ. Các nước này tận tình giúp đỡ hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam. Hàng năm, có các hội nghị tư vấn các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và Quốc tế ngữ các nước xã hội chủ nghĩa để thông nhất chủ trương hoạt động và trao đổi kinh nghiệm.

– Với Lào, sau thắng lợi của cách mạng Lào (1975), quan hệ Việt Nam – Lào về mặt nhà nước cũng như về mặt nhân dân rất gần gũi. Ta đã giúp Lào thành lập Uỷ ban hoà bình Lào (năm 2010 đối tên thành Uỷ ban hoà bình, hữu nghị và hợp tác Lào). Tại nhiều hội nghị quốc tế về hòa bình và đoàn kết tổ chức tại Lào, ta đã tích cực phối hợp và giúp bạn về thông tin, kinh nghiệm tổ chức, và cả chuyên gia.

– Với Cam-pu-chia, sau khi chính quyền Pol Pot bị đánh đổ (tháng 01/1979), với sự giúp đỡ của Việt Nam, các hoạt động hoà bình, đoàn kết đã được khôi phục, Uỷ ban hoà bình đoàn kết Cam-pu-chia được thành lập, Một số hội nghị quốc tế do Hội đồng Hòa bình Thế giới và Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi chủ trì đã được tổ chức ở Cam-pu-chia.

– Với Trung Quốc, ngay cả trước khi quan hệ hai nước trở lại bình thường năm 1991, hàng năm Hội hữu nghị Việt – Trung vẫn tổ chức cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đi thăm mộ liệt sĩ Trung Quốc hy sinh ở Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ.

– Với Mỹ và các nước phương Tây khác, ta vẫn duy trì tốt quan hệ với các tổ chức và phong trào hoà bình, đoàn kết, hữu nghị.

Nhiều đoàn quan trọng do các tổ chức nhân dân và phi chính phủ Mỹ triển khai đã thăm Việt Nam, là khách của Hội Việt – Mỹ, ví dụ các đoàn tìm hiểu Việt Nam của các học giả Mỹ do Tổ chức Hoà giải Đông Dương (do John McAuliff làm Chủ tịch), Uỷ ban hợp tác khoa học kỹ thuật Mỹ – Việt (do Edward Cooperman rồi Judith Ladinsky làm Chủ tịch) đã tổ chức cho các nghị sĩ/cựu chiến binh John Kerry, Bob Smith vào tìm hiểu tình hình lính Mỹ mất tích (MIA) và “thăm chiến trường xưa”. Một số tổ chức phi chính phủ Mỹ bắt đầu vào thực hiện các dự án viện trợ nhỏ.

Với Tây Âu, quan hệ với các tổ chức ở Cộng hòa Liên bang Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, I-ta-li-a vẫn tiếp tục. Hội Hữu nghị Cộng hòa Liên bang Đức – Việt Nam tổ chức nhiều đoàn du lịch chuyên đề và hai hội thảo Đức tại Duesseldorf (1987-1989), Hội Pháp – Việt và Hội Việt – Pháp thoả thuận tổ chức du lịch chuyên đề, Uỷ ban giúp đỡ y tế của Anh, Uỷ ban đoàn kết Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia của Thuỵ Điển, các hội hữu nghị vùng của I-ta-li-a tiếp tục quyên góp giúp Việt Nam dụng cụ y tế và các dự án nhỏ xoá đói giảm nghèo.

Sau khi Việt Nam rút hết quân tình nguyện khỏi Cam-pu-chia (năm 1989), quan hệ đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng của Việt Nam càng được mở rộng. Thêm nhiều đoàn Mỹ và Tây Âu vào thăm Việt Nam (như việc tổ chức “Cuộc đi bộ hoà bình Việt-Mỹ” nhân kỷ niệm ngày 30/4 năm 1990). Một số hội thảo về tình hình và quan hệ Việt Nam với thế giới như các hội thảo với Hội hữu nghị CHLB Đức – Việt Nam tại Duesseldorf (1985-1989) và Berlin (1990), và cuộc đối thoại về quan hệ Mỹ – Việt do Viện ASPEN (Mỹ) tổ chức tại Fi-ji (1990).

– Đáp ứng mong muốn và với sự giúp đỡ của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO) tăng cường hoạt động ở châu Á, năm 1982 Uỷ ban đoàn kết Á – Phi của Việt Nam đảm nhận vai trò đầu mối của AAPSO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặt trụ sở Trung tâm thông tin liên lạc châu Á – Thái Bình Dương của AAPSO tại Hà Nội, do Giáo sư Phạm Khắc Quảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Á – Phi Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Á – Phi Hà Nội, làm Giám đốc, với một nhà in riêng (Nhà in Á – Phi ).

II. Thời kỳ 1992-2012

Năm 1991 có hai sự kiện ảnh hưởng to lớn đến cục diện chính trị, tình hình kinh tế xã hội của đất nước Việt Nam. Đó là Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp trong tháng 6 năm 1991 đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đại hội VI. Đại hội đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Đại hội tiếp tục khẳng định nhiệm vụ của các hoạt động đối ngoại là giữ vững hòa bình, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đại hội nhấn mạnh tính chất rộng mở của chính sách đối ngoại: Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Từ sau Đại hội VII, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, khiến Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số người hoài nghi về tiền đồ của Chủ nghĩa xã hội. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các tổ chức quần chúng dân chủ quốc tế mà Việt Nam là một thành viên tích cực chịu những tổn thất và gặp những khó khăn, thách thức lớn.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã phát triển và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường, với những đặc điểm nổi bật là:

– Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến Chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại: loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức.

– Nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

– Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng cao, tăng nhanh lực lượng sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống xã hội. Cuộc cạnh tranh kinh tế, thương mại, khoa học – công nghệ diễn ra gay gắt.

– Cộng đồng thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính chất toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo…), không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết mà cần phải có sự hợp tác đa phương.

– Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động và tiếp tục phát triển với tốc độ cao. Đồng thời, khu vực này cũng tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định.

Trong tình hình quốc tế và khu vực như vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp bằng thương lượng.

Một nhiệm vụ mới hết sức quan trọng là mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển.

Ngày 10-01-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 22-QĐ/TW “Về tổ chức Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước của Việt Nam”. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định:

1- Tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển thành một tổ chức chính trị – xã hội độc lập do Hội đồng Bộ trưởng quản lý.

Thành lập Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam do Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo. Danh sách các thành viên của Đảng đoàn do Ban Bí thư chỉ định.

2- Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam tổ chức gọn nhẹ, có ngân sách riêng do Nhà nước đài thọ.

3- Ủy nhiệm cho Ban Đối ngoại Trung ương giúp Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam.

Ngày 14-11-1992, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định (số 151/Ttg) cho phép thành lập Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam, trên cơ sở Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước. Quyết định về mặt Nhà nước này thay cho quyết định số 304-CP ngày 17-11-1977 của Hội đồng Chính phủ.

Ngày 27-7-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 27-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ:

“Những năm qua Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam đã mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình thế giới biến đổi phức tạp, Liên hiệp đã tiếp tục quan hệ với các đối tượng cũ, đồng thời phát triển quan hệ với các đối tượng mới. Hoạt động của Liên hiệp đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị và sự hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ về chính trị, tinh thần và vật chất của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của ta.

Liên hiệp đã góp phần duy trì tổ chức và chuyển hướng hoạt động của nhiều tổ chức dân chủ quốc tế mà ta là thành viên, bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tuy vậy, Liên hiệp chưa thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Liên hiệp chưa chủ động mở rộng quan hệ với nhân dân các nước Đông Nam Á, khôi phục quan hệ với nhân dân các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Trong việc quản lý, hướng dẫn và phối hợp các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, tranh thủ và điều phối viện trợ nhân dân và làm đầu mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, còn có thiếu sót, sơ hở, có nơi, có trường hợp thiếu cảnh giác.

Thực hiện chính sách đối ngoại theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:

1/ Góp phần tích cực mở rộng quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị, sự giao lưu kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.

2/ Bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như bảo vệ môi trường, phòng chống một số căn bệnh nguy hiểm…

Tiếp tục góp phần duy trì và đổi mới các tổ chức dân chủ quốc tế đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phù hợp với tình hình mới của thế giới và điều kiện thực tế ở nước ta.

3/ Làm đầu mối vận động, điều phối viện trợ của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân ở các nước trên thế giới nhằm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

4/ Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ nhân dân, chú ý những địa bàn trọng điểm, đồng thời mở rộng quan hệ với các địa bàn khác. Mở rộng quan hệ với mọi tổ chức và cá nhân bên ngoài có thiện chí, mong muốn có quan hệ hợp tác với Việt Nam”.

Chỉ thị 27-CT/TW nêu rõ: “Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, chuyên trách về đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ nhân dân, hỗ trợ cho công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước”.

Nguồn: http://vufo.org.vn