Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 26/04/2024 18:49

Phụ nữ ASEAN và sứ mệnh kiến tạo hòa bình

Trước những thách thức an ninh mới phức tạp của khu vực, phụ nữ ASEAN đang đóng vai trò trung tâm, mang theo sứ mệnh kiến tạo hòa bình trong một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kể từ năm 2000, với việc thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) đã thúc đẩy sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong tất cả các nỗ lực duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh.

Năm 2017, Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) lần đầu đưa ra Tuyên bố chung ASEAN về Thúc đẩy phụ nữ, hòa bình, an ninh.

Kể từ đó đã có một động lực đáng kể nhằm thúc đẩy một khung quy chuẩn khu vực ASEAN cho WPS, đặc biệt là trong các cơ quan chuyên ngành thuộc các trụ cột Cộng đồng chính trị – an ninh, văn hóa – xã hội của ASEAN.

Việt Nam nêu 3 đề xuất nâng cao Nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh

Các đại biểu tham dự Hội thảo ASEAN về lồng ghép Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN” ngày 11/2 từ đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

WPS trước những thách thức mới

Phát biểu tại Hội thảo ASEAN về lồng ghép Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN ngày 11/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, hơn hai thập niên qua đã chứng kiến nhiều nỗ lực và tiến triển trong việc bảo vệ phụ nữ trong xung đột, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình; song vẫn còn rất nhiều các thách thức và khó khăn đặt ra.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 đã trở thành một tác nhân gây xung đột, làm lộ ra những điểm yếu trong các hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế, đồng thời khắc sâu thêm sự bất bình đẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và việc thực hiện chương trình nghị sự WPS.

Phụ nữ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột và bạo lực tiếp diễn ở nhiều khu vực, tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, cùng với đó là sự gia tăng của các thách thức về dịch bệnh, khủng hoảng y tế, an ninh lương thực, việc làm, tài chính…“Thực trạng này đặt ra nhu cầu cấp thiết đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực triển khai WPS ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward bày tỏ tin tưởng rằng, một nền hòa bình được xây dựng với sự tham gia của phụ nữ sẽ bền vững hơn.

Trước những thách thức an ninh mới phức tạp của khu vực và thế giới, Đại sứ Gareth Ward chỉ ra sự cấp thiết phải cải thiện số lượng phụ nữ tham gia vào tiến trình hòa bình, đồng thời nêu bài toán củng cố hệ thống pháp lý và các biện pháp thiết thực để giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc xung đột.

Chất xúc tác duy trì hòa bình

Là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, phụ nữ đang đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau tại Phái bộ như sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan quản lý truyền thông, sĩ quan tham mưu về hậu cần hoặc quan sát viên quân sự…

Qua quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương nhận thấy rằng, nhờ sự khéo léo, tinh tế và nhạy bén của riêng mình, phụ nữ có thể hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ khó khăn.

Trên cương vị là quan sát viên quân sự, nữ sĩ quan Việt Nam nhiều lần thực hiện tuần tra tại khu vực mà mình đảm nhiệm. Thông qua những chuyến tuần tra đó, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương có cơ hội được tiếp xúc gần và hiểu hơn về cuộc sống cùng những khó khăn mà người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, tại địa bàn gặp phải.

Nắm được những khó khăn, vất vả của họ trong và sau xung đột, nữ sĩ quan đã báo cáo để cấp trên tiếp xúc với lãnh đạo, chính quyền địa phương cùng bàn bạc, thảo luận. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục đào tạo, bảo đảm nhu cầu thiết yếu, vấn đề xâm hại và bóc lột tình dục tại những địa bàn đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột.

“Với mọi khả năng của mình, chúng tôi hy vọng có thể giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái nơi đây, góp phần mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng dân cư, người dân cũng như đất nước Nam Sudan”, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương bộc bạch.

“Anh sẽ hợp tác, hỗ trợ và đồng hành cùng ASEAN và các nước trong khu vực thực hiện WPS” – Thứ trưởng Ngoại giao Anh Vicky Ford.

Phải tự cường, phải đấu tranh

Rất nhiều phụ nữ trên thế giới đang đóng góp vào các tiến trình hòa bình, trở thành chất xúc tác để duy trì hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và bảo vệ gắn kết xã hội.

Theo Tiến sĩ Noeleen Heyler, Phó Tổng thư ký chuyên trách LHQ (2007-2015), thành viên Ban Cố vấn cấp cao về Hòa giải của Tổng thư ký LHQ, trong bối cảnh dịch COVID-19, chương trình nghị sự WPS trở nên phù hợp hơn bao giờ hết trong ASEAN. Trong đại dịch COVID-19, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ lớn những người ứng phó tuyến đầu, lực lượng nhân viên y tế…

Đó cũng chính là vai trò trung tâm, sứ mệnh kiến tạo hòa bình mà những người phụ nữ ASEAN đang đảm đương trong một cộng đồng ASEAN năng động, không để ai bị bỏ lại phía sau như ASEAN đã cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi từng khẳng định: “ASEAN cam kết đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

Điều đó có ý nghĩa là phải tận dụng vai trò lãnh đạo cũng như sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ, từ việc ra quyết định chính trị tới xây dựng hòa bình và ứng phó đại dịch.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai WPS trong ASEAN thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đưa ra ba đề xuất, bao gồm xây dựng Kế hoạch Hành động khu vực về WPS với các mục tiêu, hoạt động và tiêu chí cụ thể; lồng ghép vấn đề giới trong cả ba trụ cột Cộng đồng cũng như các lĩnh vực chuyên ngành của ASEAN; và tăng cường thảo luận về WPS giữa các cơ quan của ASEAN nhằm tạo cơ sở đưa WPS thành một nội dung xuyên suốt trong quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Những đề xuất này nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Tinh thần này từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 10/10/1959: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”.

Câu nói mang ý nghĩa “trao quyền cho phụ nữ tự giúp mình” này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây cũng là lời nhắc nhở cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia. Bởi đó là cơ sở để xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội hòa bình và công bằng, cũng bởi phụ nữ chính là động lực cốt lõi của an ninh và hòa bình của các quốc gia.

“Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận thay đổi về vai trò của phụ nữ trong việc chủ động xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trong khu vực và trên thế giới. Tôi hy vọng rằng ASEAN sẽ tiếp tục có những chương trình hành động cụ thể hơn để các quốc gia trong khi vực cùng huy động sự tham gia của phụ nữ vào xây dựng một Cộng đồng ASEAN vì hòa bình, an ninh bền vững”. (Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên – CSAGA).

TG&VN