Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 29/03/2024 17:28

Những di tích đậm “chất” Lào trên đất Việt

Những năm kháng chiến gian khổ, hy sinh của cách mạng Lào, rất nhiều những đồng chí lãnh đạo cấp cao, những sự kiện “quốc gia đại sự” của Lào đã được bao bọc, che chở, tổ chức… trong vòng tay tình nghĩa của nhiều miền đất, con người nước Việt. Và những nơi ấy đã thành di tích lịch sử thiêng liêng cao đẹp.

Bản Lao Khô (Yên Châu, Sơn La)

Ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào – Bắc gồm có 14 người. Đồng chí Kaysone Phomvihane được cử làm trưởng Ban xung phong. Đội quân ấy đã di chuyển đến khu vực biên giới Việt Nam – Lào hoạt động. Từ đây, cách mạng Lào phát triển đến vùng Lào Hùng, Phiêng Xả, Moong Nam, Thà Luông, rồi lan rộng ra các tỉnh Đông Bắc Lào. Những năm tháng hoạt động bí mật, gian khổ, đồng chí Kaysone Phomvihane cùng các chiến sĩ Ban xung phong Lào Bắc đã được cụ Tráng Lao Khô cùng người dân nơi đây cưu mang, che chở, giúp đỡ.

Theo lời ông Tráng Lao Lử, con trai của cụ Tráng Lao Khô kể: Khi đồng chí Kaysone Phomvihane về ở cùng, cả gia đình đều rất nhiệt tình vui vẻ, xem đồng chí như người thân trong gia đình và còn nhận làm anh kết nghĩa. Để có chỗ nghỉ, cụ Tráng Lao Khô còn tự tay đóng giường để đồng chí Kaysone Phomvihane ngủ. Để giữ bí mật, gia đình cụ Tráng Lao Khô đưa đồng chí Kaysone Phomvihane ra ở hang Thẩm Mế, cách nhà mấy cây số đường rừng. Cứ vài ba ngày, cụ lại xay ngô, giã thóc, mang thức ăn vào tiếp tế cho người anh kết nghĩa.

Khu di tích cách mạng Lao Khô tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (Ảnh: Quốc Khánh).

Năm 1949, trong một lần đồng chí Kaysone Phomvihane cho một người liên lạc đến tận nhà nói chuyện nhỏ với bố tôi. Nghe xong, bố tôi đưa 30 đồng bạc trắng cho người liên lạc. Khi người liên lạc đi rồi, bố tôi mới nói với cả nhà là đưa cho anh kết nghĩa 30 đồng bạc trắng để mua vũ khí. Sau khi mua được súng đạn, đồng chí Kaysone Phomvihane đã làm một giấy biên nhận gửi cho bố tôi và cảm ơn gia đình tôi đã giúp đỡ cách mạng Lào.

Quá trình hoạt động và gắn bó của Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại bản Lao Khô đã được nhà nước Việt Nam ghi nhớ và xây dựng thành khu di tích cách mạng. Khu di tích được đặt tại một thung lũng, giữa rừng nguyên sinh và chia thành 3 khu vực chính. Khu vực 1 là di tích gốc, gồm toàn bộ nền nhà của gia đình ông Tráng Lao Khô đã sinh sống từ những năm 1930.

Khu vực 2 được xây dựng trên tích 3.500 m2, gồm: Nhà tưởng niệm; bia dẫn tích; nhà trưng bày. Trong đó, tiêu biểu là Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam – Lào được xây dựng với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc. Đài biểu tượng được xây dựng trên đỉnh đồi, cao 18m, phần đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa Chăm Pa. Khu vực 3 bao gồm toàn bộ bản Lao Khô hiện nay với gần 100 hộ gia đình người dân tộc Mông đang sinh sống.

Khu căn cứ cách mạng Lao Khô hiện là điểm du lịch lịch sử nổi bật của huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, năm 2012, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Năm 2022, Khu di tích được công nhận là Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Tháp nước Phan Thiết (Bình Thuận)

Tháp nước Phan Thiết nằm bên sông Cà Ty xây gần 90 năm trước, do hoàng thân Souphanouvong (Lào) thiết kế.

Vị trí xây dựng tháp nước nằm trên đất làng Long Khê, bên tả ngạn sông Cà Ty, cao ráo thoáng mát, cách Tòa Công sứ chừng 350 m. Bản thiết kế tháp nước do hoàng thân Souphanouvong (Lào, khi đó ông là du học sinh trường Albert Sarraut tại Việt Nam) vẽ, được Sở Công chánh Hà Nội duyệt và công trình được đưa ra đấu thầu.

Tháp nước được xây dựng theo hình trụ bát giác đều. Chiều cao từ đế lên đỉnh tháp là 32m. Tổng thể chia làm 3 phần, gồm: thân tháp, bầu đài và phần mái. Phần thân tháp có hình trụ bát giác, mỗi cạnh rộng 3,9m càng lên cao càng thu nhỏ lại. Đường kính chân tháp dài 9m, chu vi 31,2m, diện tích sàn 73,4m2.

Dọc theo các cạnh của thân tháp từ trên xuống có bố trí 5 ô thông gió được trang trí các hoa văn chữ triện tương ứng với 5 chữ: “Hỷ”, “Phúc”, “Thọ”, “Kiết”, “Lộc”. Hàm ý cầu chúc cho muôn người vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ, thịnh vượng và no ấm. Riêng cạnh phía Tây ô thông gió chữ “Lộc” được thay bằng cửa sắt ra vào tháp.

Phần bầu đài, tức là bồn nước, thiết kế hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m, chứa 350m3 nước. Xung quanh bầu có 8 hình tròn đắp nổi bằng mảnh sành sứ cách điệu bốn chữ U.E.P.T, viết tắt của cụm từ tiếng Pháp “Usine des Eaux de Phan Thiet” (nghĩa là Nhà máy nước Phan Thiết). Với đặc điểm kiến trúc vươn cao nên công trình cũng được sử dụng như một cột cờ.

Với tuổi đời hơn 90 năm, tháp nước Phan Thiết đứng hiên ngang bên bờ sông Cà Ty, làm nên vẻ đẹp thơ mộng cho thành phố, “chứng kiến” bao sự đổi thay của thành phố xinh đẹp này.

Làng Ngòi – Đá Bàn (Tuyên Quang)

Xã Mỹ Bằng hiện có 25 thôn bản, 3.217 hộ với 7 dân tộc sinh sống. Ngày 13/8/1950, tại Mỹ Bằng đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến. Về dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Souphanouvong làm Thủ tướng; đồng chí Kaysone Phomvihane, làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Ítxala).

Nơi đây, từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, Hoàng thân Souphanouvong, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào Issara và các cán bộ cách mạng Lào đã ở và làm việc. Từng hàng cây, phiến đá nơi này đều ghi dấu bước chân của những người đồng chí, anh em.

Tháng 12/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với các đồng chí trong Chính phủ kháng chiến Lào, đánh dấu mốc son quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào.Trong thời gian hoạt động ở đây, Hoàng thân Souphanouvong cùng các cán bộ cách mạng thường xuyên đi thăm hỏi bà con ở xung quanh khu vực doanh trại. Đoàn đã tổ chức đón Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam và đi chúc Tết nhân dân địa phương, mừng tuổi các cháu thiếu nhi ở quanh thôn Đá Bàn.

Năm 1991 Làng Ngòi – Đá Bàn được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Đồi xóm Thổ tại thôn Làng Ngòi (nơi làm việc của Hoàng thân Souphanouvong) đã được đổi thành Đồi Hoàng Thân như là một cách để ghi nhớ năm tháng gắn bó thủy chung son sắt ấy.

Nguồn:https://thoidai.com.vn/nhung-di-tich-dam-chat-lao-tren-dat-viet-175375.html