Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 26/04/2024 20:47

Người bắc nhịp cầu văn học Nga – Việt qua hai thế kỷ

Những ngày hè nóng bỏng cuối tháng 6/2020 tại Thủ đô Hà Nội, tôi được diện kiến dịch giả nhà văn lão thành tài hoa Hoàng Thúy Toàn. Dù đã bước sang độ tuổi 82, ông vẫn mẫn tiệp, sôi nổi chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về nước Nga, nơi ông đã trưởng thành, gắn bó và yêu tha thiết.

Thúy Toàn bản mệnh Mậu Dần (sinh năm 1938) tại phố Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê hương ông, miền đất địa linh nhân kiệt, chiếc nôi khoa bảng nước nhà: “Một giỏ Sinh đồ, một bồ Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Ấy là chưa kể đến những làn điệu dân ca Quan họ tinh tế, say đắm lòng người đã nuôi dưỡng Thúy Toàn từ thủa ấu thơ.

Năm 1950, Thúy Toàn học trường Thiếu sinh quân tại Thái Nguyên. Bốn năm học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội giúp Thúy Toàn sớm trưởng thành với phong cách sống chuẩn mực, làm việc chăm chỉ, nghiêm túc. Năm 1954, Thúy Toàn được Nhà nước gửi sang Liên Xô học tập. Trên quê hương Cách mạng tháng Mười, Thúy Toàn say mê văn học Xô Viết, lịch sử, âm nhạc Nga, tiếng Nga. Nhờ tư chất thông minh, bản tính nhanh nhẹn, vui vẻ, Thúy Toàn giữ vai trò trưởng nhóm phụ trách 19 Thiếu sinh quân. Mỗi tuần, trưởng nhóm cùng các bạn chăm chỉ viết bài báo, văn xuôi, thơ ca. Trong số văn nghệ sĩ danh tiếng đàn anh mà Thúy Toàn đã gặp trên nước Nga và ở Việt Nam không thể không nhắc tới nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý… Họ đã truyền ngọn lửa văn chương cho ông.

Năm 1954 – 1958, Thúy Toàn bắt đầu dịch thơ Nga. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va năm 1961, ông về nước làm biên tập sách dịch văn học, Nhà xuất bản Văn học đến khi nghỉ hưu.

Năm 1976, Thúy Toàn cùng đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam sang Liên Xô dự hội nghị lần thứ Tư những người dịch văn học Nga trên thế giới. Lần đầu tiên tiếp xúc, giao lưu với những nhà văn ưu tú dịch thuận văn học Nga, ông vui mừng, xúc động, học tập kinh nghiệm vốn tri thức của họ. Cũng tại Hội nghị này, bất ngờ gặp lại cô giáo kính yêu chủ nhiệm lớp, dạy Ngữ văn mà ông được học thời thanh niên sôi nổi. Sau 15 năm, cô trò gặp nhau nhắc lại những kỷ niệm ấm áp thiêng liêng trên đất nước Bạch dương. Vẫn giọng nói ấm áp nồng hậu, cô giáo Soophia Leeonidvna Kortsicôva hỏi thăm các bạn cùng lớp Thúy Toàn. Cô vui mừng gặp lại cựu lớp trưởng Thúy Toàn – học trò giỏi của cô đã trở thành dịch giả xuất sắc văn học Nga. Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, lớp cựu sinh viên khóa tiếng Nga “100” đầu tiên tại Mát-xcơ-va do Thúy Toàn làm “thủ lĩnh” chủ động đóng góp tài chính, làm thủ tục mời Bà giáo Sôphia sang Việt Nam. 15 ngày gặp gỡ, giao lưu, cô trò Xô – Việt với những mái tóc bạc phơ ở độ tuổi xưa nay hiếm. Cô Sôphia cùng Thúy Toàn và các cựu sinh viên thăm hồ Tây, Phủ Tây Hồ, vịnh Hạ Long.

Hơn sáu thập kỷ lao động cần mẫn, sáng tạo dịch thuật, dịch giả Thúy Toàn đã có 60 đầu sách, trong đó có 10 tập thơ. Ông như con tằm nhả sợi tơ vàng. Dịch văn thơ không đơn thuần là chuyển ngữ mà đòi hỏi người dịch phải có vốn sống, hiểu biết sâu rộng ngôn từ văn chương và tình yêu say đắm tác phẩm. Thúy Toàn, dịch giả mang tầm quốc tế đã thành công rực rỡ trong việc đem đến bạn đọc những cái hay, cái đẹp của thơ văn Nga. Nhiều thế hệ độc giả yêu quý, ngưỡng mộ những tập thơ Nga do Thúy Toàn dịch như: thơ Puskin (1966, tái bản 1986); thơ Lermantop (1978); thơ Exenhin (1982) … Ông cũng dịch truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, thời kỳ Liên bang Xô Viết và từng được giải thưởng quốc tế về dịch thuật văn học.

Bài thơ Tôi yêu em của Puskin có nhiều bản dịch nhưng bản dịch của Thúy Toàn được giới chuyên môn và bạn yêu thơ đánh giá xuất sắc, mẫu mực nhất với những từ ngữ tinh tế, hàm xúc, nồng nàn, đằm thắm:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/Hay hồn em phải gợn bóng u hoài./Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Ngoài bén duyên dịch thuật, Thúy Toàn say mê nghiên cứu lịch sử văn học Nga, cuộc đời và sự nghiệp các nhà văn, nhà thơ ưu tú như: Puskin, Lermantop, Anton Seekhop, Gogol…

Nhân dịp thăm nhà lưu niệm Văn học Nga (ngày 28/6/2020), Thúy Toàn tặng tôi Tuyển tập thơ trữ tình Puskin. Cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1: 39 bài thơ do Thúy Toàn dịch. Phần 2: 19 mẩu truyện về Puskin do Thúy Toàn kể.

Suốt cuộc đời say mê dịch thuật văn học, chưa dừng lại, Thúy Toàn “lấn sân” công việc mới khó nhọc: xây dựng Nhà lưu niệm Văn học Nga tại Việt Nam. Gần 2 thập kỷ ấp ủ, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính, ngày 23/5/2015, kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt – Xô, Nhà lưu niệm Văn học Nga được khánh thành và hoạt động trên quê hương ông: làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Với diện tích 50m2, Nhà lưu niệm văn học Nga được bố trí 2 tầng. Tầng một có chủ đề “Những trang tình nghĩa” ghi dấu quan hệ văn hóa, văn học giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên Xô trước đây, Việt Nam và Liên bang Nga ngày nay. Tiếp theo là góc kỷ vật về lớp tiếng Nga đầu tiên cùa 100 người sang học ở Mát-cơ-va (1954 – 1956). Hình ảnh bà giáo chủ nhiệm Sophia được Thúy Toàn cất công nhờ thợ in chân dung lên đĩa sứ trang trọng.

Gian trưng bày tầng hai có chủ đề “Văn học Nga ở Việt Nam” gồm Bảng thông tin về 5 người Việt Nam tiếp xúc với văn học Nga và 5 giai đoạn Văn học Nga ở Việt Nam, sách của các nhà văn ưu tú Nga… Xúc động và hấp dẫn ở góc trưng bày những bài thơ, văn chép tay, thư từ, bút tích của các nhà văn, dịch giả hai nước, những bức chân dung các nhà thơ, văn Nga, Việt, những cuộc gặp gỡ giao lưu của Hội Nhà văn Nga – Việt trên đất nước Bạch dương…Hàng trăm đầu sách văn học Nga đã dịch ra tiếng Việt, hàng nghìn hiện vật như tem; thư; huy hiệu; kỷ niệm chương về văn học Nga… tất cả được Thúy Toàn trưng bày khoa học, mẫu mực và hấp dẫn.

Sau 5 năm hoạt động, Nhà lưu niệm văn học Nga đã thu hút gần 100 đoàn khách trong và ngoài nước tham quan, học tập. Chiêm ngưỡng Nhà lưu niệm Văn học Nga, mọi người đều xúc động, kính trọng và ngưỡng mộ nhân cách, tài năng, tinh thần lao động của Thúy Toàn. Để có được khối tài sản văn học vô giá như hôm nay, Thúy Toàn đã cần mẫn tích góp, sưu tầm, mua sắm từ những năm tháng đấu tiên trên đất nước Bạch Dương (1954). Những năm dài tiếp theo, mỗi lần sang Nga dự Hội nghị, hội thảo, giao lưu ông đều dành thời gian đến chợ tìm mua những hiện vật “liên quan đến nước Nga” như: búp bê Nga, huy hiệu, sách báo cũ…

Giờ đây bước sang độ tuổi “U90”, Thúy Toàn vẫn chăm chỉ sưu tầm sách cũ văn học Nga để trưng bày làm phong phú nhà lưu niệm.

Là một dịch giả, nhà văn tài hoa, tâm huyết được truyền thông Việt Nam và Nga ca ngợi, tôn vinh Thúy Toàn rất khiêm tốn, giản dị. Ông ít xuất hiện trong những tiệc chiêu đãi. Mỗi lần trả lời báo chí, ông không chia sẻ những thành tích của mình mà say sưa nói về văn học, dịch thuật, các nhà văn ưu tú của Nga…

Thúy Toàn là người chồng chung thủy, nhân hậu. Suốt cuộc đời ông chỉ yêu bà Chu Nga – bạn đồng môn. Những năm tháng học tập trên xứ sở Bạch Dương, tình yêu đã chắp cánh cho ông bà. Năm 1963, lễ cưới  giản dị, đầm ấm của Thúy Toàn và Chu Nga được tổ chức tại Hà Nội. Gần 6 thập kỷ, biết bao gian khổ với 8 lần chuyển nơi ở, Chu Nga vẫn giúp chồng gìn gữ, vận chuyển sách báo, hiện vật liên quan đến nước Nga. Là vợ, là bạn đồng môn, tri kỷ, Chu Nga thấu hiểu và chia sẻ niềm đam mê của chồng. Biết ông tự chủ tài chính xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga (gần 800 triệu đồng), bà đồng cảm động viên ông. Hai người con của ông bà đã trưởng thành, có gia đình riêng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của Thúy Toàn là gắn bó với văn học Nga/Xô Viết, dấn thân vào công việc mà ông say mê là dịch thuật.

Ngày 04/11/2010 tại cung điện Kremly, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tặng Hoàng Thúy Toàn Huân chương cao quý – Huân chương hữu nghị của nhà nước Nga. Trong suốt chặng đường dài nỗ lực công việc dịch thuật, Thúy Toàn đã đảm nhận nhiều cương vị: Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt – Nga; Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam; Giám đốc Trung tâm văn hóa Đông – Tây…

Chặng đường phía trước của dịch giả Thúy Toàn không dài nhưng tình yêu văn học Nga, đất nước và con người Nga trong ông như mạch nước ngầm không bao giờ cạn.

Cầu chúc dịch giả nhà văn Thúy Toàn – “nhà Puskin học” mạnh khỏe, trường thị, tiếp tục cống hiến trong dịch thuật, tuyển chọn tác phẩm văn học Nga ưu tú tại Việt Nam, góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, sự hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả Thúy Toàn như dòng sông chảy không hề biết mỏi. Ông là người bắc nhịp cầu hựu nghị giữa hai nên văn học Nga – Việt Nam qua hai thế kỷ.

Hạnh An