Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Năm, 25/04/2024 15:51

Kỷ niệm 32 năm sự kiện Gạc Ma 14/3 (1988-2020): TỔ QUỐC MÃI GỌI TÊN CÁC ANH

Những ngày này, ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) luôn có nhiều người dân, du khách, trong đó có cả những thân nhân, đồng đội của 64 chiến sĩ Gạc Ma tìm về tới thăm viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ các liệt sĩ.

Khúc bi tráng không thể nào quên

Vào đúng ngày này cách đây 32 năm, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông. Tất cả họ với tuổi đời còn rất trẻ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Theo lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005), rạng sáng ngày 14-3-1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh và Lữ đoàn 146 bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên bãi Gạc Ma, tổ chức cắm cờ và dựng nhà. Đến 6h ngày 14-3-1988, Trung Quốc điều 2 tàu, đưa lính lên bãi Gạc Ma giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Quân ta đánh trả, kiên quyết bảo vệ quốc kỳ, bảo vệ đảo. Quân Trung Quốc rút ra xa, rồi xả đạn vào pháo tàu HQ-604 và quân ta ta trên bãi Gạc Ma. Lúc này buộc bộ đội ta phải sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 bắn trả. Do bị trúng nhiều đạn pháo, tàu HQ-604 chìm xuống biển, nhiều chiến sĩ đã hy sinh.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại Cô Lin, sáng ngày 14-3-1988, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi. Các tàu Trung Quốc cũng đã bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa chữa máy, rồi lệnh ủi tàu lên bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Còn tại bãi Len Đao, các tàu Trung Quốc cũng nã đạn vào tàu HQ-605, đến ngày 15-3-1988 tàu chìm hẳn. Trung úy Phạm Hữu Doan, thuyền phó tàu HQ-605 và 5 đồng chí khác nữa đã hy sinh. Nhưng quân ta vẫn bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay phấp phới trên bãi Len Đao. Chiều ngày 14-3-1988, ta điều tàu tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Có thể nói, cuộc chiến rạng sáng 14-3-1988 ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Cuộc chiến ấy như một khúc tráng ca không thể nào quên và trong cuộc chiến bi hùng ấy, 64 chiến sĩ hải quân Nhân dân Việt Nam đã nắm chặt tay, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ Tổ quốc.

Sau 32 năm xảy ra sự kiện hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đến nay còn nhiều người chưa tìm thấy hài cốt. Nhưng có thể khẳng định, tên tuổi và sự hy sinh của các liệt sĩ tại Gạc Ma mãi mãi được cả dân tộc khắc ghi. Vẫn còn đó những nỗi niềm khắc khoải, đó là những người mẹ, người cha, người chị, người anh, người em hàng ngày mong đón hài cốt các anh về đất liền an nghỉ. Nhiều thân nhân liệt sĩ khi đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã không cầm được nước mắt khi thắp những nén hương thơm lên những ngôi “mộ gió”. Đây là những ngôi mộ không có thi thể các liệt sĩ, mà chỉ là những nấm đất tượng trưng để xoa dịu đi những nỗi đau mất người thân.

Tổ quốc gọi mãi tên các anh

Tháng ba lại về, mùa biển lặng. Trong ánh nắng sớm, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” ở Khu tượng niệm Chiến sĩ gạc Ma hiện lên nguy nga giữa bầu trời. Từng đoàn người đổ về đây đến thăm và thắp hương tưởng niệm. Trên khuôn mặt của họ hiện rõ nét trang nghiêm, tôn kín thể hiện sự đau buồn và lòng biết ơn…Trong làn khói hương trầm mặc và tiếng nhạc trầm hùng bi tráng, họ chắp tay hướng về lễ đài cầu nguyện tưởng nhớ các liệt sĩ.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là trái tim của khu tưởng niệm.

Sự ra đi của các anh là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào để mỗi người công dân Việt Nam thêm yêu đất nước, tổ quốc. Sự hy sinh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên biển của các anh giúp các cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay càng chắc tay súng bảo vệ từng hòn đảo, tấc biển và vùng trời tổ quốc. Những ai đã từng đến Trường Sa đều có thể cảm nhận được tiếng trầm hùng của nhạc lễ giữa biển cả mênh mông, khiến cho những vị tướng đã bao phen trận mạc, hay cả những người trẻ chưa từng bước chân vào quân ngũ, đều không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ về cuộc chiến đầy bi thương nhưng rất đỗi tự hào ấy.

Các chiến sĩ Hải quân làm lễ tưởng niệm, tri ân đến 64 anh hùng chiến sĩ Gạc Ma.

Hôm nay, tròn 32 năm, từ cuộc chiến bi hùng ấy, vòng tròn bất tử Gạc Ma vẫn luôn được nhắc không chỉ trong ngày đặc biệt này, mà đất nước, tổ quốc sẽ luôn mãi gọi tên các anh. Các anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, tổ quốc. Nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh, các anh đã hóa thân vào sóng nước, viết thành khúc tráng ca của Trường Sa, khúc tráng ca về tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh cuộc đời vì toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam.

Đức Tiến