Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Sáu, 19/04/2024 12:44

Giai đoạn phát triển mới của đối ngoại Việt Nam

      Chuỗi hội nghị đối ngoại, bao gồm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 đã khép lại thành công tốt đẹp, đầy cảm xúc với nhiều kết quả cụ thể, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại gắn với chiến lược phát triển của đất nước.

Chuỗi hội nghị về đối ngoại đánh dấu một giai đoạn kế thừa và phát triển mới của ngoại giao Việt Nam, mang đến một tinh thần hứng khởi, lan tỏa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về đối ngoại đến toàn ngành ngoại giao, toàn dân.

Nói đây là một kỳ hội nghị đầy cảm xúc chính bởi những điểm mới, những ấn tượng lần đầu tiên cả về khâu nội dung lẫn hình thức tổ chức mà chuỗi sự kiện về đối ngoại này mang lại cho các đại biểu hay bất cứ người dân nào quan tâm theo dõi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 15/12. (Ảnh: Tuấn Anh)

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII

Mở đầu chuỗi sự kiện chính là Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì để bàn về công tác đối ngoại với trọng tâm là ba “binh chủng ngoại giao”, bao gồm bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Hội nghị đặc biệt ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Lắng nghe những chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, toàn ngành Ngoại giao đã đạt được thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối, phương hướng, phương châm, các biện pháp đối ngoại mà Đại hội XIII đã đề ra.

Với ý nghĩa bao trùm, quyết định, hội nghị đã quán triệt sâu sắc về năm bài học lớn về đối ngoại được tổng kết trong 76 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và trong 35 năm Đổi mới. Đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; và bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới và xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, từng tổ chức và cá nhân trong hoạt động đối ngoại.

Chia sẻ tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, các đại biểu, trong đó có các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đều bày tỏ niềm vinh dự, trọng trách lớn lao và như được tiếp thêm sinh khí để tiếp tục cống hiến, nỗ lực triển khai công tác đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh cùng các Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

Xuyên suốt chín phiên họp của Hội nghị Ngoại giao 31, chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, được đặc biệt chú trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng với đất nước, ngành Ngoại giao đang bước vào giai đoạn triển khai chiến lược mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là một chủ trương mới, phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng và phù hợp với xu thế phát triển của các nền ngoại giao trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.

Như vậy, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, ngành ngoại giao phải chủ động, tích cực tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước như ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao môi trường, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng…

Chính vì vậy, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ngoại giao 31, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn một lần nữa đề nghị ngành ngoại giao phát huy truyền thống vẻ vang, thành tựu đối ngoại, thế và lực mới của đất nước, bản sắc ngoại giao Việt Nam trên nền tảng bản sắc ngoại giao dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao đoàn kết, chung sức, chung lòng, trong-ngoài phối hợp chặt chẽ, giữ vững bản lĩnh, quyết tâm khắc phục khó khăn, khuyến khích và đẩy mạnh tư duy đổi mới, sáng tạo, tìm cách làm mới, hướng đi mới có hiệu quả cao hơn.

Có thể nói, tinh thần đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại là minh chứng sống động nhất cho sự chủ động thích ứng linh hoạt của ngành ngoại giao với yêu cầu công tác đối ngoại trong tình hình mới.

“Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico Alfredo Femat Bañuelos.

Phương hướng cụ thể

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, tại Hội nghị Ngoại giao 31 đã nhất trí thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể.

Một là, tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần “ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim”, “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, như đồng chí Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Hai là, triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.

Ba là, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; thúc đẩy luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tham mưu về các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế; thu hút các dự án hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Sớm nghiên cứu, triển khai các hướng đi mới, cách làm mới như ngoại giao số, ngoại giao về biến đổi khí hậu…

Năm là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức triển khai ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước.

Sáu là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân; đẩy mạnh toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Bảy là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngoại giao với đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế – xã hội.

Tám là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; xây dựng “hệ thống chính trị trong ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại” như chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.

Chín là, tăng cường nghiên cứu, dự báo chiến lược trong tình hình mới như phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, ứng xử trước các chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực.

Với những phương hướng cụ thể cùng những chỉ đạo rõ ràng, truyền cảm hứng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mặc dù chuỗi hội nghị về đối ngoại đã khép lại nhưng không khí phấn khởi, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vẫn còn nguyên vẹn và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành ngoại giao và các lực lượng làm đối ngoại trong cả nước.

Nguồn:https://baoquocte.vn/giai-doan-phat-trien-moi-cua-doi-ngoai-viet-nam-168807.html