Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Tư, 24/04/2024 23:35

Đưa cổ tích Việt Nam tới gần hơn với công chúng Nga

Từ tình yêu đối với văn hoá Việt Nam, ba cô gái trẻ tuổi người Nga: Yulia Minina – giảng viên Viện Nghiên cứu phương Đông và Cổ vật thuộc trường Kinh tế cao cấp; Anna Kharitonova – giảng viên Khoa Đông phương học thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg và Ekaterina Lyutik – cộng tác viên khoa học của Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) đã dịch truyện cổ tích Việt Nam sang tiếng Nga.

Cuốn sách “Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam” bản tiếng Nga.

Nhân dịp cuốn sách “Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam” chuẩn bị được xuất bản tại Nga, Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trò chuyện cùng chị Yulia Minina, chủ biên cuốn sách:

– Thưa chị Julia, chị đánh giá thế nào về truyện cổ tích Việt Nam?

Truyện cổ tích dân gian Việt Nam rất phong phú, mang đậm tính nhân văn và vẫn còn là một đề tài chưa được các chuyên gia Đông phương học nghiên cứu sâu. Trong khi đó, truyện cổ tích mang đến cho các chuyên gia và độc giả bức tranh toàn diện về đất nước, con người Việt Nam. Tôi yêu đất nước và văn hoá Việt Nam, đó là lý do tại sao tôi yêu những câu chuyện cổ tích Việt Nam đến vậy. Đối với tôi, dường như những câu chuyện dân gian của người Việt Nam rất thú vị, đầy tính nhân văn và chứa nhiều cảm xúc: một chút thơ mộng, có niềm vui, nuỗi buồn, sự sợ hãi và sự lạc quan. Đối với tôi, điều này vô cùng thu hút.

– Mục đích của chị khi thực hiện dự án này?

Chúng tôi, những nhà phương Đông học thực hiện cuốn sách đặt ra cho mình hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là nghiên cứu chi tiết truyện dân gian Việt Nam, phân tích cốt truyện, nhân vật của truyện dân gian. Các ấn phẩm truyện cổ tích gần đây nhất đã xuất bản tại Nga gần ba mươi năm trước. Do đó, mục tiêu thứ hai, không kém phần quan trọng, đó là chúng tôi muốn độc giả Nga làm quen với những câu chuyện cổ tích Việt Nam. Thông qua cuốn sách “Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam” chúng tôi mong muốn quảng bá văn học Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung với bạn đọc Nga, đồng thời thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành của mình dành cho đất nước này.

Chị gặp khó khăn gì trong quá trình hoàn thành cuốn sách?

Cuốn sách được chúng tôi thực hiện trong hai năm. Từ tổng tập lớn nhất của Nguyễn Đổng Chi “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, chúng tôi đã chọn ra 25 truyện cổ tích được yêu thích nhất, trong đó có nhiều truyện đã từng được chuyển ngữ trước đây, và làm mới các bản dịch sang tiếng Nga. Điều khó nhất chúng tôi phải đối mặt là tìm ra một phong cách dịch thuật phù hợp, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của văn học Việt Nam. Để truyền tải các khái niệm văn hóa Việt Nam bằng tiếng Nga không phải là một điều dễ dàng. Đối với những người không học chuyên sâu về Việt Nam, có thể có một số khái niệm mà độc giả sẽ không hiểu, và chúng tôi không muốn chỉ ghi những phiên âm tiếng Nga. Vì lẽ đó chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm ra cách truyền tải nội dung câu truyện một cách dễ hiểu cho độc giả, đặc biệt là với những người chưa biết nhiều về Việt Nam.

Chúng tôi đã lựa chọn nhiều thể loại truyện cổ tích khác nhau để giới thiệu tới độc giả, như: cổ tích thần kỳ, cổ tích sinh hoạt, cổ tích phiêu lưu và cổ tích loài vật. Từ cuốn sách, độc giả Nga sẽ được biết những câu chuyện về trống và chiêng, về rồng và rùa, về hổ và rùa, về các học giả và môn sinh, về cô Tấm… Cốt truyện “Tấm Cám” có nhiều nét tương đồng với truyện “Cô bé Lọ lem” nổi tiếng của phương Tây, hay truyện “Sự tích lấy chồng trăn” có những điểm tương đồng với cổ tích Nga “Công chúa ếch”. Vì vậy, tôi tin rằng độc giả Nga sẽ cảm thấy quen thuộc khi đọc truyện cổ tích Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi không đơn thuần chỉ kể lại câu truyện, mà còn nêu lên mối liên hệ giữa truyện cổ tích với lịch sử và văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng giao lưu từ văn hóa dân gian các nước láng giềng của Việt Nam như thế nào.

– Chị có kế hoạch tổ chức chương trình, sự kiện gì để giới thiệu cuốn sách tới công chúng?

Tôi và một số đồng nghiệp dự định tổ chức một buổi giới thiệu sách “Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam” tại Viện Nghiên cứu phương Đông và Сổ vật thuộc trường Kinh tế cao cấp (nơi xuất bản của cuốn sách) và một số buổi giới thiệu trực tuyến. Cuốn sách sẽ được giới thiệu và bày bán tại các nhà sách lớn ở Moskva và Saint-Petersburg. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 tại Nga đang diễn biến phức tạp, do đó, kế hoạch sẽ được thực hiện một cách linh hoạt. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp bạn đọc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với cuốn sách.

– Сhúng tôi tin rằng, không chỉ người Nga mà người Việt Nam biết tiếng Nga và những nhà Nga học cũng sẽ rất hứng thú với cuốn sách. Vậy các chị có kế hoạch hợp tác với phía Việt Nam để giới thiệu, xuất bản cuốn sách tại Việt Nam?

Cuốn sách “Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam” chủ yếu hướng đến độc giả nói tiếng Nga. Nội dung cuốn sách kể về những điều mà người Việt Nam biết từ thời thơ ấu, đồng thời nó chứa nhiều tài liệu thuần túy khoa học cũng không phù hợp để học tiếng Nga. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc học ngoại ngữ từ những câu truyện dân gian rất hữu ích và là một ý tưởng tuyệt vời. Bởi vậy, trong tương lai nếu có lời mời soạn thảo sách giáo khoa hoặc sách hướng dẫn học tiếng Nga cho người Việt Nam, trong đó sử dụng văn hóa dân gian, tôi rất vui lòng và sẵn sàng đồng ý thực hiện một dự án như vậy.

– Cảm ơn chị Yulia!

Nguồn: https://thoidai.com.vn/dua-co-tich-viet-nam-toi-gan-hon-voi-cong-chung-nga-154835.html