Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Tư, 24/04/2024 03:08

Dấu ấn của Việt Nam sau 27 năm gia nhập ASEAN

   Ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam, hình ảnh lá cờ Việt Nam bay phất phới trong tiếng Quốc ca hùng tráng đã đánh dấu một trang sử mới đối với nước ta cũng như khu vực Đông Nam Á – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Từ đó đến nay đã trải qua 27 năm đồng hành và gắn bó, với 3 lần đảm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam trở thành một trong những thành viên có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng ASEAN trở thành Cộng đồng chung hoàn thiện. Qua đó từng bước khẳng định vai trò và vị thế, trở thành một quốc gia có tiếng nói ở khu vực và được cộng đồng quốc tế công nhận.

Quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN

Sau khi đất nước độc lập năm 1975, Việt Nam bước vào công cuộc khôi phục và phát triển đất nước với vô vàn khó khăn và thử thách. Trong bối cảnh ấy, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, xác định chủ trương gia nhập ASEAN là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phá thế bao vây, cô lập, hội nhập khu vực và thế giới. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển mạnh mẻ, từ thời kỳ khôi phục kinh tế đến thời kỳ đổi mới (năm 1986), đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại, với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, từng bước tham gia các hoạt động ASEAN để sớm gia nhập vào cộng đồng chung này.

Trong những năm tiếp theo, quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN được cải thiện đáng kể. Những bước phát triển song phương thể hiện qua các cuộc viếng thăm các cấp và việc ký kết một số hiệp định hợp tác kinh tế – thương mại… Trong cuối năm 1977 và đầu năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã sang thăm lần lượt các nước ASEAN nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Ngày 22/7/1992, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 25 ở Manila (Philippines), Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Tháng 10/1993, với chính sách bốn điểm mới, Việt Nam khẳng định: “Chủ trương tăng cường hợp tác nhiều mặt với từng nước láng giềng cũng như với ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, sẵn sàng gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp”. Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này. Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.

Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và để lại những dấu ấn quan trọng, đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.

Dấu ấn tiêu biểu

Ngay từ những thời gian đầu khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên chủ động, tích có trách nhiệm vì sự hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực. Điều đó được minh chứng khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên (năm 1998) sau 3 năm gia nhập đã thể hiện vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia vào ASEAN (năm 1999), qua đó hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển trong khu vực.

Trong lần đảm cương vị Chủ tịch ASEAN lần 2, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 đúng vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình xây dựng Cộng động ASEAN. Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn sau khi Hiến chương ASEAN được ký kết và luôn tích cực trong quá trình triển khai, và được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp hướng tới hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015. Thông qua các hàng loạt sáng kiến: “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009-2015), “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN,” Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò điều phối các cơ chế với các đối tác bên ngoài như bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này.

Khi ASEAN đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành, xây dựng và phát triển (1967-2017), Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, từ chính trị, an ninh, kinh tế đến văn hóa, xã hội, con người trong khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat), ngày 17/1/2020 tại Nha Trang, Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam lần thứ ba đảm cương vị Chủ tịch ASEAN. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị như: hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37; Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3. Trong thời gian này, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung khi đó phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động và đã đưa ra nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch: Quỹ ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN…, thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “cả Cộng đồng” của ASEAN trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện. Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch Covid-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN.

Phát huy thành tựu hướng tới tương lai.

Hiện nay, Việt Nam đang cùng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, xây dựng một tầm nhìn, tạo ra một sân chơi khu vực toàn diện. Tham gia vào ASEAN cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ cùng chung vai gánh vác những thách thức chung. Đó là vừa là cơ hội cũng là thách thức để Việt Nam phát huy thành tựu, tập trung hướng đến tương lai nhằm phát triển một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường. Để cùng các nước ASEAN chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tích cực đóng góp cho các mục tiêu chung ASEAN, cũng như nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN trong tình hình mới, nhằm vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa bảo đảm lợi ích chung của khu vực, Đảng và Nhà nước ta đã xác định tham gia hợp tác ASEAN trong thời gian tới có tầm quan trọng chiến lược với phương châm như sau: Giữ vững độc lập, chủ quyền, đảm bảo lợi ích quốc gia, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của Hiệp hội; Hợp tác ASEAN đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các Bộ/Ngành trong và ngoài nước có liên quan; Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác đa phương và hợp tác song phương, trong khi tham gia hợp tác ASEAN ta đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa ta và các nước trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; Tham gia hợp tác ASEAN với phương châm“tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, theo đó định hướng tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới là: Chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi, nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết nội khối ASEAN cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình; Tích cực cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp trong nội khối cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe doạ đến hoà bình, an ninh, ổn định khu vực, nhằm duy trì sức sống, giá trị cũng như góp phần nâng cao vị thế của Hiệp hội trong hoàn cảnh mới; Có trách nhiệm cùng ASEAN nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận và cam kết đã đề ra, với ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất và gắn kết.

Về định hướng chung trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiếp tục coi trọng và nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN, tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN trên cơ sở Hiến chương ASEAN và phù hợp với lợi ích của đất nước; tích cực tham gia lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục chủ động thúc đẩy hợp tác ASEAN với các bên đối thoại, nhất là về kinh tế, thương mại; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng trong khu vực cũng như trên chính trường quốc tế.

 Kiên Lê