Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Năm, 25/04/2024 23:16

“Bông hoa Chămpa” khoe sắc giữa xứ Trầm Hương

   Trong số những sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Nha Trang, Thavixay Manichanh nhận được nhiều sự chú ý bởi gương mặt dễ thương, trong sáng, thu hút người nhìn bằng đôi mắt long lanh và nụ cười thân thiện. Bên cạnh vẻ ngoài tươi tắn, rạng rỡ, cô khiến mọi người ngưỡng mộ bởi khả năng giao tiếp được 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Lào, Thái, tiếng Anh và Hàn Quốc.

Thavixay Manichanh, tên thường gọi là “Chanh”, cô sở hữu khuôn mặt trái xoan, với nước da trắng. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Champasak, ở miền Nam nước Lào, cô gái dễ thương (SN 1999) đã sớm ấp ủ đi du học. Ngay từ nhỏ cô đã được sự định hướng của cha mẹ cùng với ý thức, nỗ lực phấn đấu của bản thân nên mong muốn đó phần nào đã thực hiện. Chanh đã quyết định lựa chọn chuyên ngành Thương mại và Trường Đại học Nha Trang – Việt Nam là nơi cô tiếp tục gieo mầm ước mơ của mình.

Khám phá nền văn hóa Việt

Lần đầu đặt chân đến Việt Nam, cô chia sẻ: “Lúc đó, trong đầu tôi trống rỗng, mọi thứ đều xa lạ. Cảm giác nhớ nhà, người thân luôn thường trực trong tôi. Nhưng sau một thời giời sinh sống, được tiếp xúc với nhiều người tôi đã cảm nhận được sự gần gũi, mến khách của con người nơi đây. Đặc biệt, qua một thời gian khám phá, tôi cảm nhận được sự đa dạng của văn hóa đất nước Việt Nam thông qua ngôn ngữ, trang phục, nghệ thuật, ẩm thực, nơi sinh sống…vv, của mỗi vùng miền trên mảnh đất chữ S thân thương này. Bên cạnh những phong tục tập quán riêng, tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa truyền thống với quê hương, đất nước Lào của tôi. Đó là điều giúp tôi vượt qua được rào cản về khoảng cách. Bây giờ tôi có cảm giác thích thú, thân thuộc như được sống trên quê hương của mình”.

 Trong tất cả những yếu tố góp phần tạo nên nét riêng được gọi “bản sắc văn hóa Việt”, Chanh cũng cho biết cô rất thích trang phục truyền thống áo dài của người Việt, bởi nó không chỉ là trang phục truyền thống mà nó còn là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hiện đại. Với tôi: “Mỗi lần khoác trên mình chiếc áo dài của người Việt tôi cảm thấy rất tự tin, nó tôn lên được vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông. Vì thế, áo dài luôn là lựa chọn đầu tiên nhất của tôi khi tôi mặc vào và tham gia vào các sự kiện, hội nghị quan trọng tại Nha Trang”, Chanh bày tỏ.

Manichanh trong trang phục áo dài, nón lá Việt Nam.

Qua 4 năm sống trên mảnh đất Việt, được tiếp xúc với con người Việt Nam thân thiện, giàu lòng nhân ái, điều đó đã đọng lại trong cô nhiều ấn tượng đẹp: “Được sống và học tập trên mảnh đất thân thương này là một điều hạnh phúc với tôi, và tôi xem mảnh đất quê hương “xứ trầm – biển yên” Nha Trang – Khánh Hòa – Việt Nam như là quê hương thứ 2 của mình”.

Hòa mình vào văn hóa Việt

Bên cạnh thành tích ấn tượng trong học tập cùng với khả năng giao tiếp được 5 ngôn ngữ khác nhau. Chanh được biết là một con người năng động, hăng say tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động giao lưu có sự gắn kết giữa sinh viên Việt Nam – Lào. Cô chia sẻ: Để cảm nhận và hiểu rõ về “bản sắc Việt” thì theo tôi, điều đầu tiên là phải hòa mình vào những hoạt động nơi đây. Đó là lý do mà tôi tham gia nhiệt tình các hoạt động nhà trường tổ chức, qua đây tôi được tiếp xúc với nhiều sinh viên Việt Nam và tôi có thêm nhiều cơ hội để được giao lưu, học hỏi, trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt – Lào.

Trong suốt 4 năm học, Chanh và các bạn đã thực hiện và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa cùng với các sinh viên Việt Nam nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa sinh viên hai nước Việt Nam – Lào thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức hội thể thao giao lưu đá bóng giữa sinh viên Lào với Việt Nam hàng năm; tham gia các hoạt động văn nghệ do trường tổ chức; Tham gia các cuộc thi: hùng biện Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam, cuộc thi gói bánh chưng yêu thương nhân dịp Tết Việt; Tham gia các câu lạc bộ như kỹ năng Trẻ, ngôn ngữ Tiếng Anh, Câu lạc bộ âm nhạc giữa sinh viên Việt Nam và Lào…Bên cạnh đó, hằng năm cô và các bạn tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tổ chức: như Tết cổ truyền Bunbimay Lào, Kỷ niệm quốc khánh Lào. Đặc biệt, tham gia các chuyến đi hành trình trải nghiệm du lịch các tỉnh thành Việt Nam như: Bến Tre, Phú Yên, Sài Gòn, Cà Mau… do nhà trường và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tổ chức, từ đó hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Với cô đó là những chuyến đi thú vị và ý nghĩa.

Manichanh (thứ 5 từ trái qua) dự gặp mặt nhân dịp quốc tế phụ nữ 8-3 tại Nha Trang, do Liên hiệp Khánh Hòa tổ chức.

Với những việc làm ý nghĩa đó, cô được nhiều cô thầy và bạn bè Việt Nam yêu quý. Từ một hình ảnh cô gái Lào nhỏ nhắn, hăng say đã truyền được cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong đó có cả sinh viên Việt Nam. Sự năng động của cô không chỉ tạo sự đoàn kết, thân thiện giữa sinh viên hai nước mà còn có ý nghĩa kết nối, lan tỏa tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào ngày càng thắt chặt hơn, đúng như trong lời hát mà cô yêu thích: Mối tình ta bền vững/Bao đời nay vẫn đẹp tươi thắm/Sáng hơn trăng rằm/Thơm hơn bông hoa thơm nhất (Bài hát Hà Nội- Viêng Chăn).

Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Chanh sẽ quay trở về Lào. Vì tình yêu với mảnh đất chữ S khá sâu đậm nên dự định của Chanh sẽ làm một công việc giúp ích cho cả Việt Nam và Lào – hai ngôi nhà lớn của cô. Cô chia sẻ: Mình sẽ làm Phiên dịch viên Tiếng Việt – Tiếng Lào tại một doanh nghiệp Việt Nam ở Lào. Đó là mong muốn lớn nhất của mình.

Có thể nói quá trình học tập của Manichanh – sinh viên Lào trong suốt 4 năm qua có sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều bạn trẻ tựa như bông hoa đẹp tỏa ra hương thơm ngào ngạt, và Manichanh chính là một bông hoa Chămpa (quốc hoa Lào) khoe sắc giữa thành phố Nha Trang, tô đẹp thêm tình hữu nghị và gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Đức Tiến