Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2024)- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2024) - ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÁNH HÒA TÍCH CỰC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII, ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI LẦN THỨ VIII - DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỜI CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 370 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA. CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023-2028.
Thứ Năm, 18/04/2024 07:25

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ VI (2014 – 2020) & PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ VII (2020 – 2025)

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ VI (2014 – 2020)

& PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ VII (2020 – 2025)

———–

Phần thứ nhất

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ VI (2014 – 2020)

 

  1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Khánh Hòa có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, là cầu nối giao lưu hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa giữa Khánh Hòa – Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, kết hợp hài hòa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đảm bảo về quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới; từng bước xây dựng, củng cố đội ngũ hoạt động đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại và hoạt động đối ngoại nhân dân; chủ động mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, làm cầu nối cho hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục, du lịch và đầu tư.

Trong những năm vừa qua, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp; đất nước ta có nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng, đặc biệt là trong năm 2020 Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Chủ tịch ASEAN 2020, kinh tế của đất nước và của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, an ninh, chính trị được giữ vững, đối ngoại rộng mở, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Khánh Hòa thuộc nhóm những tỉnh thành khá của cả nước, công tác đối ngoại của tỉnh có điều kiện thuận lợi để tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, Khánh Hòa với bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế Khánh Hòa và đất nước trên trường quốc tế.

Từ những đặc điểm trên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa cùng với các Hội hữu nghị song phương, đa phương và tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân trong nhiệm kỳ 2014 – 2020 với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và đã đạt được nhiều thành tích, góp phần đáng kể vào thành công chung trong các hoạt động đối ngoại của đất nước, đặc biệt là công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Khánh Hòa.

  1. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NHIỆM KỲ 2014 – 2020
  2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư: Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 02/12/2008 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 19/9/2019 về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 15/5/2008 về tăng cường, mở rộng và đổi mới công tác đối ngoại nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3000/KH-UBND, ngày 13/4/2017 về triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 – 2020, các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt và lồng ghép vào chương trình công tác năm.

  1. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại:

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa (Liên hiệp) đã thiết lập trang thông tin điện tử http://dnnd.vn và xuất bản Bản tin Hữu nghị định kỳ 4 số/năm với số lượng 200 bản/số. Đây là kênh thông tin hữu ích nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của Liên hiệp trong lòng bè bạn quốc tế, kiều bào và các đơn vị bạn.

Trong các ấn phẩm thông tin đối ngoại này, Liên hiệp thường xuyên cập nhật tin bài về các hoạt động đối ngoại trong và ngoài tỉnh cũng như hoạt động đối ngoại nhân dân của cơ quan thường trực Liên hiệp, các đơn vị thành viên. Trên trang thông tin điện tử, Liên hiệp xây dựng đường liên kết với các trang thông tin điện tử của một số cơ quan có liên quan và các chuyên đề cụ thể theo các dòng sự kiện lớn căn cứ vào sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Thông tin – Truyền thông. Đồng thời, Liên hiệp cũng chia sẻ các bài viết về các hoạt động này trên trang mạng xã hội nhằm làm phong phú thêm các phương thức tuyên truyền, tạo hiệu quả sâu rộng cho công tác thông tin đối ngoại trong quá trình cung cấp thông tin kịp thời và quảng bá của hoạt động của Liên hiệp và hình ảnh của công tác đối ngoại đến với các tỉnh, thành trong nước và bà con kiều bào, người nước ngoài.

Ngoài việc xuất bản các ấn phẩm, Liên hiệp chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức một số hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, góp phần phong phú và đa dạng các hình thức hoạt động đối ngoại, như là: tổ chức gặp mặt, giao lưu văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ của nước bạn, tổ chức đoàn đi tham quan danh thắng, di tích trong và ngoài tỉnh; qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế với công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, tăng cường sự hiểu biết và thiện cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam cũng như nâng tầm vị thế, hình ảnh của Khánh Hòa – Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của cơ quan chuyên trách và các Hội hữu nghị song phương, đa phương tỉnh, hình ảnh tươi đẹp của con người và non nước Khánh Hòa đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế những ấn tượng đẹp và sâu sắc. “Đi thì nhớ, ở thì thương”, đó là phương châm mà Liên hiệp đã thực hiện bằng chính những việc làm của mình. Đây là những hình ảnh trực quan, sinh động, tận tâm với công việc, gắn kết yêu thương giữa người với người, đã làm cho bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, gần gũi.

  1. Công tác phát triển, củng cố các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác quốc tế:

Liên hiệp thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với gần 200 tổ chức, cá nhân bạn bè quốc tế, nhất là với các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, tạo sự thân thiện và cởi mở giữa các tổ chức nước ngoài với Liên hiệp và với nhân dân Khánh Hòa. Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, thể thao, bạn bè quốc tế có dịp hiểu hơn về con người, văn hóa của vùng đất Trầm Hương – Yến Sào, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Khánh Hòa với bạn bè quốc tế.

Với phương châm tiếp tục mở rộng các loại hình đối ngoại theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Khánh Hòa với nhân dân các nước trên thế giới, Liên hiệp luôn duy trì các hoạt động hòa bình, hữu nghị truyền thống với nội dung và hình thức phong phú, thu hút được đông đảo bạn bè quốc tế tham gia, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của Khánh Hòa với du khách và bạn bè quốc tế.

  1. a) Đối với các nước có mối quan hệ lâu đời và gần gũi với Việt Nam: Lào, Campuchia, Ấn Độ, Pháp, Nga, Đức, các nước Châu Phi,… Liên hiệp luôn duy trì việc tổ chức một số hoạt động thường niên: Gặp mặt năm mới dành cho kiều bào và người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nha Trang – Khánh Hòa; tổ chức du xuân, tham quan Hội hoa xuân Nha Trang dịp Tết Nguyên đán; dâng hương Đền Hùng nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương; tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi là con em của một số người nước ngoài và kiều bào,… Những hoạt động thường niên này vừa giới thiệu bản sắc văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế, vừa duy trì được mối liên kết và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.
  2. b) Đặc biệt với các nước láng giềng có lịch sử gắn bó truyền thống lâu đời về nhiều mặt, thực hiện chủ trương của lãnh đạo các cấp về việc chú trọng tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, Liên hiệp vẫn luôn chủ động xây dựng thêm nhiều phương thức hoạt động nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết, giao lưu với nhân dân nước bạn, cụ thể:

– Đối với Lào và Campuchia là hai nước láng giềng cùng với Việt Nam tạo nên bán đảo Đông Dương, Liên hiệp tăng cường tổ chức một số hoạt động dành cho các bạn sinh viên Lào và Campuchia đang theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như: Giao lưu gặp mặt dịp Tết cổ truyền của nước bạn; đi thăm và chúc mừng ngày Quốc khánh nước bạn tại các trường các bạn đang theo học trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ sinh viên Lào tham gia cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt” do Trung ương Hội hữu nghị Việt – Lào tổ chức cho sinh viên Lào đang học tại Việt Nam; tổ chức gặp mặt cho sinh viên Campuchia dịp Kỷ niệm chiến thắng Pôn-pốt 07/01/1979, mời sinh viên Lào và Campuchia tham gia các ngày lễ của Việt Nam như: Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, ngày truyền thống Liên hiệp hữu nghị, ngày thành lập Liên hiệp Khánh Hòa,…

– Đối với cộng đồng người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại Khánh Hòa, Liên hiệp phối hợp với Hội hữu nghị Việt – Trung và các Hội quán người Hoa tại Khánh Hòa tổ chức một số hoạt động như: Gặp mặt nhân ngày Quốc khánh Trung Hoa 01/10; khai giảng các lớp dạy Hoa văn do Ban trị sự Quảng Đông, Bang Hải Nam, Bang Triều Châu Ninh Hòa đồng tổ chức; lễ thờ cúng Đền Quan Thánh, Miếu Thiên Hậu do Hội quán người Hoa tại Nha Trang tổ chức; đón tiếp Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Diễn đàn nhân dân Việt – Trung lần thứ 9,… Thông qua những lễ hội và các buổi gặp mặt, lãnh đạo Liên hiệp đã truyền tải thông điệp “cộng đồng người Hoa là cầu nối hữu nghị thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân giữa nhân dân hai nước Việt – Trung nhằm gìn giữ nên hòa bình, tình hữu nghị truyền thống đã được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp”.

– Phối hợp với Hội Hữu nghị Việt – Nhật tổ chức và tham gia một số hoạt động nhằm thể hiện sự hiểu biết và tình cảm đối với nước bạn như: Cuộc thi viết tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam – Nhật Bản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật (21/9/1973 – 21/9/2018) và Quốc khánh, sinh nhật Nhật hoàng; đón tiếp và giao lưu với các đoàn nghệ thuật Nhật tham gia Festival Biển 2017.

– Chủ trì đón chào Đoàn đại biểu Ấn Độ tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Ấn Độ và tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật Việt – Ấn với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc Việt Nam và Ấn Độ cùng với chương trình Gặp mặt chào mừng kỷ niệm 72 năm Độc lập Ấn Độ, góp phần vào thành công chung của Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 10 năm 2019 tại Việt Nam. Liên hoan hữu nghị nhân dân là một trong những hình thức nhằm tăng cường sự giao lưu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hai nước và nhân dân hai nước Ấn Độ – Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

  1. c) Đối với các nước Châu Âu có mối liên hệ lâu năm: Pháp, Đức, Nga,… Liên hiệp đã chủ trì hoặc phối hợp, hỗ trợ các Hội hữu nghị song phương, đa phương tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, thể hiện vai trò nòng cốt của Liên hiệp trong việc định hướng, hướng dẫn hoạt động và phát huy vai trò của Hội hữu nghị, góp phần vào thành quả chung của mặt trận ngoại giao nhân dân, cụ thể:

– Hàng năm tổ chức đoàn học sinh tiếng Pháp và người Pháp, kiều bào Pháp tham gia Liên hoan tiếng hát Pháp ngữ Liên hiệp các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên và tham dự gặp mặt kỷ niệm Quốc khánh Pháp tại các tỉnh, thành (Thừa Thiên – Huế năm 2014, Nha Trang – Khánh Hòa 2016, Bình Định 2017, Đăk Lăk 2018, Đà Nẵng 2019).

– Tham gia buổi gặp mặt của Hội hữu nghị Việt – Đức với các bạn Đức và những người đã từng học tập làm việc tại Đức trong Ngày thống nhất nước Đức 02/10.

– Phối hợp với Hội hữu nghị Việt – Nga tổ chức các hoạt động viếng Tượng đài hữu nghị Cam Ranh nhân ngày chiến thắng phát xít 09/5 và Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11) với sự tham gia của hội viên và các bạn Nga tại thành phố Nha Trang. Đặc biệt, Liên hiệp đã chủ trì tổ chức thành công chương trình Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại trong năm 2017 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh với sự tham dự của Tổng Lãnh sự Nga tại Tp. Hồ Chí Minh và lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga.

– Phối hợp với Hội Ái mộ Yersin tham gia các hoạt động lễ tưởng niệm ngày mất và ngày sinh của bác sĩ Alexandre Yersin tại Tượng đài công viên Yersin (Nha Trang) và khu mộ Yersin (Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).

  1. Công tác phi chính phủ nước ngoài:

Qua 6 năm (2014 – 2020), có thể nhận thấy hoạt động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các sở ban ngành và địa phương của tỉnh đã tranh thủ hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần vào thành quả kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

Trong 6 năm qua, các cơ quan thành viên Liên hiệp đã tích cực vận động các cá nhân, tổ chức nước ngoài viện trợ dưới các hình thức dự án, phi dự án với tổng giá trị giải ngân ước đạt 5.286.000 đô la Mỹ (tương đương 121 tỷ đồng), riêng cơ quan thường trực Liên hiệp đã trực tiếp vận động hoặc hỗ trợ các tổ chức PCPNN triển khai hoạt động viện trợ trong 6 năm qua với giá trị tài trợ đạt 500.099 USD (tương đương 11,5 tỷ đồng), góp phần hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của tỉnh. Có thể kể đến một số tổ chức PCPNN thường xuyên có mối quan hệ hợp tác với cơ quan thường trực Liên hiệp như: Les Amis de Nha Trang (Pháp), Aid for Kids (Mỹ), Ecole Sauvage (Pháp),…

Qua các số liệu viện trợ thống kê trong giai đoạn 2014 – 2020 cho thấy hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực: Y tế, Giáo dục – Đào tạo và An sinh xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là những lĩnh vực được các tổ chức PCPNN quan tâm nhất trong tình hình hiện nay. Đồng thời, lĩnh vực đăng ký hoạt động của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu cũng liên quan đến những lĩnh vực này.

Trong 6 năm qua, nhìn chung các tổ chức PCPNN khi về hoạt động tại Khánh Hòa đều là những tổ chức được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động, những hoạt động viện trợ diễn ra trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và tuân thủ đúng quy định của địa phương, các khoản viện trợ cơ bản phù hợp với định hướng ưu tiên kêu gọi viện trợ của tỉnh. Các cơ quan, ban ngành của tỉnh cũng đã phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến khảo sát, triển khai hoạt động viện trợ. Thông qua các chương trình, dự án, hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN được triển khai thực hiện tại Khánh Hòa, đặc biệt tại các xã miền núi và các địa phương nghèo trong tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và hỗ trợ hiệu quả cho việc cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân các vùng thụ hưởng, khắc phục phần nào khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh nhà.

Trong những năm qua, đa số các chương trình, dự án triển khai của các tổ chức PCPNN có quy mô vừa và nhỏ, các khoản viện trợ tuy phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của các đối tác địa phương nhưng giá trị không lớn, vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Phần lớn các tổ chức PCPNN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là các tổ chức đã hoạt động nhiều năm nên các cơ quan chức năng luôn duy trì tốt mối quan hệ, hợp tác, hỗ trợ thường xuyên cho các tổ chức này trong việc triển khai các hoạt động viện trợ trên địa bàn tỉnh. Một tín hiệu tốt là thời gian gần đây các tổ chức PCPNN có xu hướng hoạt động viện trợ nhiều hơn cho 2 huyện khu vực miền núi còn nhiều khó khăn Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

  1. Công tác kiều bào:

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, xác định kiều bào đóng vai trò là một trong những cầu nối quan trọng trong công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, vì vậy trong thời gian qua, thông qua các hoạt động mang tính chất truyền thống, hướng về cội nguồn như: Giao lưu gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán, du xuân tìm hiểu văn hóa Việt Nam nhân dịp tết truyền thống, viếng Đền Hùng tại Nha Trang nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Trung thu cho thiếu nhi,… Liên hiệp đã kết nối và huy động một bộ phận kiều bào đang sinh sống tại Nha Trang – Khánh Hòa tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân và đóng góp, hỗ trợ công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Liên hiệp vẫn thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn và cung cấp các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước, các chính sách của tỉnh đến người Việt Nam ở nước ngoài, giúp đỡ bà con kiều bào ổn định cuộc sống khi về quê hương; trong đó, chủ yếu là việc hỗ trợ, hướng dẫn kiều bào làm thủ tục xin visa, thường trú,…

  1. Công tác xây dựng nội bộ, phát triển lực lượng đối ngoại nhân dân:

          – Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa được Tỉnh ủy thành lập vào năm 1987, đã trải qua 6 kỳ đại hội với nhiều đợt luân chuyển, thay đổi cán bộ chủ chốt cũng như chuyên viên. Liên hiệp đã tiến hành tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống công tác đối ngoại nhân dân; 30 năm ngày thành lập Liên hiệp Khánh Hòa, nhiều tập thể và cá nhân được tặng Kỷ niệm chương hữu nghị, bằng khen, cờ thi đua của Liên hiệp Trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Hoạt động của các Hội hữu nghị song phương, đa phương là công tác chính trị ngoại giao đặc thù, có hiệu quả nhất định trên mặt trận đối ngoại nhân dân:

+ Hội Hữu nghị Việt – Nga đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhân kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít 9/5, Cách mạng Tháng 10 Nga, đón tiếp các đoàn võ thuật Nga đến Việt Nam tham gia giải Vovinam.

+ Hội Ái mộ Yersin thông qua hoạt động khám chữa bệnh từ thiện đã thu hút nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế như Pháp, Thụy Sĩ tham gia. Hàng năm Hội cùng với Liên hiệp tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của bác sĩ Yersin.

+ Hội hữu nghị Việt – Nhật duy trì từ 2 đến 3 lớp tiếng Nhật, phối hợp với Liên hiệp tổ chức giao lưu nhân ngày Quốc khánh Nhật, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, tiếp đón các đoàn Nhật đến Nha Trang giao lưu nghệ thuật và trao đổi giáo dục.

+ Hội hữu nghị Việt – Trung từ ngày thành lập đến nay đã có nhiều hoạt động phong phú nhằm củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước: tổ chức gặp mặt năm mới, Tết Trung thu, mở các lớp dạy học tiếng Trung,…

+ Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã có nhiều hoạt động phong phú: tổ chức gặp mặt nhân ngày chiến thắng diệt chủng Pôn-pốt, giao lưu nhân các ngày Tết cổ truyền, Quốc khánh của nước bạn và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Campuchia.

+ Hội UNESCO với chức năng giao lưu hữu nghị về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đã có nhiều hoạt động đóng góp quan trọng cho công tác ngoại giao nhân dân. Lãnh đạo Hội là các nhà trí thức khoa học có uy tín, thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước. Thông qua hoạt động này, hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

+ Hội hữu nghị Việt – Đức hàng năm tổ chức gặp mặt giao lưu kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức (03/10), tổ chức lớp học tiếng Đức và tham gia một số các công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

– Bên cạnh các hoạt động của các Hội hữu nghị, hoạt động đối ngoại nhân dân của các sở, ban, ngành và các viện, trường, các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, góp phần thiết thực và hiệu quả cho quá trình đổi mới và hội nhập của tỉnh.

Các trường cao đẳng, đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình đã có nhiều hoạt động giao lưu, hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường trong và ngoài nước, đã tổ chức trại hè Pháp ngữ, trại hè cho học sinh, sinh viên kiều bào ở Hoa Kỳ, tham gia hoạt động nghệ thuật, văn hóa thể thao trong các dịp Festival Biển. Ngoài ra, các trường đã tổ chức giao lưu nhân các ngày kỷ niệm của nước bạn nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, thắm tình hữu nghị giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước.

Các doanh nghiệp của tỉnh triển khai mở rộng mạng lưới kinh doanh ra nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc với các đối tác, kết nối các hoạt động đối ngoại nhân dân. Thương hiệu của Doanh nghiệp và văn hóa Việt Nam thông qua hoạt động của Doanh nghiệp được giới thiệu, quảng bá đến các nước trên thế giới.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

  1. Ưu điểm:

          – Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình trên mặt trận đối ngoại nhân dân, chú trọng nội dung và hiệu quả thiết thực từng hoạt động đối ngoại, đa dạng hóa hình thức hoạt động, góp phần làm cho bạn bè quốc tế và các đối tác hiểu đúng về tình hình Việt Nam, tình hình tỉnh Khánh Hòa, về mục tiêu và bản chất của chế độ, về chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước ta và về nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; thông qua đó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

– Với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Liên hiệp đã vận động được số lượng khá lớn viện trợ phi chính phủ nước ngoài với số tiền đạt 500.099 USD (tương đương 11,5 tỷ đồng), góp phần hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của tỉnh.

          – Liên hiệp đã phát huy vai trò nòng cốt để chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành liên quan trong các hoạt động đối ngoại của tỉnh nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

So với nhiệm kỳ trước, các chỉ tiêu về vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được duy trì; các hoạt động về hòa bình, hữu nghị được mở rộng cả về số lượng lẫn chiều sâu; công tác người Việt Nam ở nước ngoài được tập trung và duy trì. Mối quan hệ với người nước ngoài ngày thêm gắn chặt, thắm tình hữu nghị và thân thiết. Liên hiệp đã và đang phát huy có hiệu quả vai trò trung tâm của công tác đối ngoại nhân dân.

Theo từng thời gian của nhiệm kỳ, mối quan hệ giữa Liên hiệp với các sở ngành và các ban chức năng của Đảng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có liên quan ngày thêm mở rộng và gắn kết chặt chẽ hơn, phát huy được mặt trận đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh, giới thiệu được nét đẹp của con người, quê hương, đất nước đến với bạn bè năm châu cũng như kịp thời tiếp nhận và triển khai các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài bảo đảm đúng pháp luật, đúng đối tượng, an toàn và hiệu quả.

Quá trình liên kết tuy có gặp những khó khăn ban đầu nhưng đã cùng nhau kịp thời tháo gỡ, bám sát mục tiêu và đã thực sự mang niềm vui đến các đối tượng tiếp nhận.

Những kết quả mà Liên hiệp đạt được trong nhiệm kỳ qua là do những thành tựu của sự nghiệp đổi mới và đường lối, chính sách đối ngoại do Đảng lãnh đạo; sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các bộ, ban, ngành; của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp; sự phối hợp, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo của cơ quan thường trực Liên hiệp và sự tham gia tình nguyện đóng góp nhiệt tình của quần chúng nhân dân trong tỉnh.

  1. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

2.1. Tồn tại, hạn chế:

Trong 6 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2014 – 2020, hoạt động của Liên hiệp vẫn chưa phát huy đầy đủ thế mạnh của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

– Công tác vận động phi chính phủ nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng việc tổ chức triển khai công tác này còn nhiều bất cập như chưa khai thác hết tiềm năng của các tổ chức PCPNN để phục vụ cho chương trình an sinh xã hội của tỉnh.

– Mối quan hệ, liên lạc với kiều bào chưa được mở rộng, không thường xuyên; việc tổ chức gặp gỡ còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền vận động chưa tốt, chưa đa dạng.

– Công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị được triển khai chưa thật sự sâu rộng, hiệu quả mang lại có mặt còn hạn chế. Việc kết nối, phát triển các mối quan hệ với bạn bè quốc tế mới còn nhiều khó khăn, bất cập.

– Công tác thông tin tuyên truyền nhiều mặt còn hạn chế nên mang lại hiệu quả chưa cao. Số lượng và chất lượng bài viết trên trang web, bản tin chưa phong phú, đa đạng và còn nhiều điều phải khắc phục.

– Hoạt động của một số tổ chức thành viên của Liên hiệp khi triển khai Chỉ thị số 28-CT/TW, Chỉ thị số 04-CT/TW, Chỉ thị số 38-CT/TW còn thụ động; hình thức và nội dung hoạt động còn cứng nhắc, phương thức thực hiện chậm đổi mới; việc phối hợp với các sở, ngành, viện, trường chưa thường xuyên, chương trình nội dung mang tính nhất thời, chắp vá,… Liên hiệp chưa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành những văn bản mang tính pháp quy nhằm kết nối và cộng đồng trách nhiệm giữa Liên hiệp và các đơn vị liên quan.

– Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, mặc dù đã có sự phát triển về số lượng và nâng cao về trình độ, nhưng năng lực  của đội ngũ cán bộ Liên hiệp còn nhiều hạn chế, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ chưa cao.

2.2. Nguyên nhân:

– Công tác tham mưu của Liên hiệp chưa kịp thời, do vậy chưa triển khai rộng khắp trong cộng đồng và xã hội về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác đối ngoại nhân dân.

– Chưa tổ chức được các hoạt động phong trào rộng khắp nhằm giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp trong cộng đồng xã hội, qua đó nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò của đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

– Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của cơ quan chuyên trách chưa được đào tạo bài bản về công tác đối ngoại nhân dân; năng lực, chuyên môn có mặt còn hạn chế, trong công việc còn mang tính chủ quan, thiếu tính kế hoạch cụ thể, chưa thể hiện được vai trò tham mưu sách lược và chiến lược về công tác đối ngoại nhân dân cho lãnh đạo tỉnh.

– Công tác phối hợp giữa Liên hiệp và các ngành còn mang tính thời vụ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ bằng các văn bản pháp quy, chưa kịp thời đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển chung của thực tiễn.

– Một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân; thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động đối ngoại nhân dân.

  1. Một số kinh nghiệm hoạt động cần được lưu tâm:

– Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong công tác đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan chuyên môn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác đối ngoại với các đoàn thể nhân dân.

– Hai là, cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, làm thay đổi về nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

– Ba là, thực hiện tốt phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” trong hoạt động.

– Bốn là, từng bước xây dựng và phát triển các tổ chức hội hữu nghị làm nòng cốt và là đầu mối triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân. Đồng thời, tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực của lực lượng tham gia công tác đối ngoại nhân dân, thực hiện phân công, phân cấp cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động.

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2020 – 2025

  1. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh, chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Khánh Hòa với nhân dân các nước, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, các tổ chức, cá nhân và nhân sĩ nước ngoài nhằm tranh thủ, vận động mọi nguồn lực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của các đoàn thể và tổ chức nhân dân nhằm góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Khánh Hòa với nhân dân các nước phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

  1. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
  2. Mở rộng và triển khai tốt các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và phát triển:

– Chủ động tổ chức các sự kiện chính trị – đối ngoại, phối hợp tổ chức các đoàn ra, tiếp đón các đoàn vào, qua đó tăng cường quan hệ với các cơ quan lãnh sự, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nhân dân các nước. Giữ vững mối quan hệ với các đối tác hiện có và tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác mới trên nhiều lĩnh vực nhằm thu hút đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật,…

– Tiếp tục phát triển các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển với các tổ chức nhân dân các nước, củng cố và xây dựng quan hệ với các nước ASEAN, các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, với tỉnh Khánh Hòa ở châu Á, châu Âu.

  1. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài:

– Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban ngành, địa phương về những nhu cầu thiết yếu về xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… khi có điều kiện để kịp thời giới thiệu với các đối tác.

– Tổ chức các lớp tập huấn về trình tự, thủ tục, hồ sơ, tài liệu cho các địa phương, đơn vị để đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về công tác vận động viện trợ PCPNN.

– Xây dựng dữ liệu thông tin về các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, qua đó xác định tiềm năng, tìm hiểu xu hướng, phối hợp với ngành chức năng thẩm định, trên cơ sở đó kêu gọi dự án, đầu tư phù hợp. Mở rộng đối tượng vận động, căn cứ thực lực của đối tác để xây dựng chương trình mời gọi phù hợp, hiệu quả.

  1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiều bào, xác định kiều bào là cầu nối quan trọng trong công tác đối ngoại:

– Tổ chức các sự kiện cho kiều bào được gặp gỡ và giao lưu nhân các ngày lễ tết của dân tộc.

– Thông qua kiều bào, giới thiệu về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về quê hương, đất nước, con người Việt Nam,… Cùng với kiều bào tham gia các hoạt động chính trị đối ngoại của địa phương, tăng cường mối quan hệ, gắn bó giữa kiều bào với quê hương Việt Nam. Thông qua kiều bào xây dựng kênh thông tin đối ngoại nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn về chủ trương, chính sách của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

  1. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát huy các hội hữu nghị song phương và đa phương ngày thêm vững mạnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp xây dựng lực lượng đối ngoại nhân dân đủ mạnh và rộng khắp nhằm giương cao lá cờ hữu nghị, hòa bình, đoàn kết đến với bạn bè quốc tế:

– Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị số 28-CT/TW, Chỉ thị số 04-CT/TW, Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam” và Kế hoạch 3000/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Chú trọng đổi mới phương thức và nội dung để nâng cao chất lượng, chiều sâu trí tuệ trong các hoạt động của Liên hiệp và các hội thành viên.

– Tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của các hội thành viên và phát triển các Hội hữu nghị song phương mới khi có đủ điều kiện như Hội Hữu nghị Việt – Hàn, Việt – Lào, Việt – Pháp,… hoặc thành lập các tổ chức hữu nghị trực thuộc Liên hiệp dưới hình thức các câu lạc bộ hữu nghị khi chưa đủ điều kiện về thành viên theo quy định như: CLB sinh hoạt hữu nghị Việt – Cuba, Việt – Thái,…

– Chú trọng củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp vững mạnh đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ chuyên trách về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và bản lĩnh chính trị. Tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng bộ máy cơ quan Liên hiệp, lập quy hoạch chiến lược về công tác cán bộ đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị nhằm đảm bảo tính kế thừa cho nhiệm kỳ sau, tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển của đổi mới và hội nhập.

  1. Tiếp tục nâng cao và mở rộng công tác thông tin đối ngoại, từng bước hoàn thiện công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng hệ thống thông tin đối ngoại của Liên hiệp ngày thêm vững chắc:

– Củng cố, tổ chức lại công tác nghiên cứu, tham mưu; nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền có chiều sâu để làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền đối với nhân dân trong tỉnh và đối với nhân dân các nước trên thế giới.

– Đầu tư có chiều sâu và trên diện rộng cho công tác kiều bào. Ngoài mục tiêu thực hiện tốt Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, kiều bào sẽ là lực lượng cộng tác viên tuyên truyền có chất lượng và hiệu quả trong việc thông tin đối ngoại, giới thiệu cho bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn, đúng hơn về đất nước, con người Việt Nam, Khánh Hòa.

– Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hình thức tuyên truyền thích hợp, chuyển tải thông tin đến với bạn bè quốc tế và kiều bào qua các phương tiện thông tin truyền thông. Quản lý và nâng cao chất lượng Website của Liên hiệp để làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại, cập nhật kịp thời những hoạt động, thành tựu của Việt Nam, của Khánh Hòa nhằm quảng bá rộng rãi đến bè bạn quốc tế.

– Tiếp tục công tác tham mưu, hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa Liên hiệp với các ngành, các cấp. Xây dựng hệ thống tư liệu cho công tác giao lưu, tuyên truyền, đầu tư cho tập san hữu nghị Khánh Hòa theo từng quý và tiến đến ra định kỳ hàng tháng.

III. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

– Tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp và các ban ngành của tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay.

– Củng cố và từng bước nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan chuyên trách Liên hiệp theo tinh thần các chỉ thị của Ban Bí thư, của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Quyết định 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên đủ năng lực đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong mọi xu thế. Tham mưu cho Tỉnh ủy về nguồn cán bộ kế thừa cho những năm tiếp theo.

– Tham mưu với các ngành hữu quan và tiến tới thành lập Trung tâm Giao lưu hữu nghị và Hợp tác quốc tế thuộc Liên hiệp Khánh Hòa. Thông qua tổ chức này, nâng cao hơn nữa quy mô và chất lượng hoạt động của Liên hiệp, hỗ trợ có hiệu quả các chương trình đề ra, đồng thời kết hợp giữa hoạt động hữu nghị và vận động tài trợ PCPNN. Trên cơ sở thành lập Trung tâm, tiến hành xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng và nâng cao năng lực hoạt động của Liên hiệp phục vụ cộng đồng.

Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa lần thứ VII nhận thức một cách sâu sắc về vai trò của Liên hiệp trên mặt trận đối ngoại nhân dân của tỉnh Khánh Hòa. Với bề dày hoạt động của Liên hiệp kết hợp với truyền thống kiên cường, dũng cảm của quê hương Khánh Hòa, Liên hiệp sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế yếu kém, phát huy những thành quả đạt được, phấn đấu thực hiện có kết quả các chương trình, mục tiêu mà đại hội đại biểu lần thứ VII đề ra, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của quê hương./.